Tản mạn về ngôn tình [cổ đại]

… hay là lời cảnh báo cho các cô nàng đã ế, đang ế, và sắp ế, cũng như các cô nàng mơ mộng, lãng mạn, và sến quá mức cần thiết (me included).

Vài năm gần đây nổi lên dòng  truyện ngôn tình Trung Quốc, mà có vẻ áp đảo cả dòng võ hiệp/ tiên hiệp/ sắc hiệp (nếu không tin lên mấy kho truyện [tiếng Trung] trên mạng, sẽ thấy khối lượng ngôn tình đồ sộ). Theo tinh thần học, học nữa, học mãi, à, là đọc, đọc nữa, đọc mãi, nàng cũng phải mò lên mạng tìm đọc vài bộ ngôn tình, cho gọi là bắt kịp với hơi thở của thời đại. Làm nghiên cứu xã hội, phải biết các cháu thanh thiếu niên giờ này đang đọc gì chứ hả.

Nàng chỉ đọc ngôn tình cổ đại. Không chơi mấy loại hiện đại, võng du, tiên giới…Trừ điều này ra, nàng đọc không chọn lọc, thấy bộ nào có tên gây tò mò thì đọc, thấy bộ nào có tỷ lệ download cao thì đọc,  tuy nhiên thấy bộ nào không kết thúc thảm mới đọc. Dạo này già rồi, tuổi cao sức yếu nên tim mong manh dễ vỡ lắm, không đủ dũng khí đọc mấy cái loại truyện câu hàng tỷ tấn nước mắt. Do đó mấy bộ bi thảm đang làm mưa làm gió trên thị trường (một phần là nhờ đã chuyển thể thành phim truyền hình), Bộ bộ kinh tâm, Khuynh thế hoàng phi gì gì là quyết tâm không động tới. Còn để biết truyện nào ko thảm rất chi là dễ, cứ mở cái chương ở cuối hay gần gần cuối có tên là Đại kết cục ra đọc là biết :-D. Cũng chú thích thêm rằng đếm trên đầu ngón tay chắc nàng đã lướt qua khoảng chục bộ ngôn tình, tính gộp cả Nữ hoàng Ai cập- tác giả Nhật Bản, truyện tranh, hình như sáng tác từ cách đây cả chục năm, nhưng đặc sệt phong cách ngôn tình, có lẽ là tiên phong cho thể loại ngôn tình chăng? (Ngoài lề: là đứa nào, đứa nào xui đọc cái bộ này???), và Twilight saga – mà cả truyện [trừ tập 1] lẫn phim điện ảnh tuy rất dở nhưng vẫn khuynh đảo toàn thế giới (Ngoài lề nữa: lại nhớ có một đứa nhõng nhẽo, mè nheo, hết năn nỉ tỉ tê đến ăn vạ tống tình, đòi đi xem phim này bằng được, mệt ghê ý). Mặc dù vậy, thú nhận là nàng chưa đọc trọn bộ ngôn tình nào, mỗi bộ đọc được 1/3, 1/2 rồi bỏ, tử tế hơn, mở thêm 1 2 chương cuối ra đọc rồi bỏ, tuổi cao sức yếu nên thiếu tính kiên nhẫn chăng? Nhiều bộ chỉ động 1 2 chương đầu. Thú nhận nữa là bỏ rồi là quên luôn, bây giờ bảo kể tên ra chẳng kể được bộ nào.

Tuy nhiên, dù chỉ là cưỡi ngựa xem hoa cũng thấy một vài ‘đặc điểm’ rất chi là hay ho của ngôn tình cổ đại:

  1. Xuyên việt – hay là xuyên không gian. Bối cảnh xuyên việt rất chi được ưa chuộng. Tác giả nào giỏi kiến thức lịch sử, sẽ cho đào chính/ kép chính quay trở lại một triều đại có thật nào đó. Tác giả nào không thích lịch sử, ko giỏi lịch sử, mà tóm lại, truyện ngôn tình là truyện chủ đề tình yêu, lịch sử chẳng có gì quan trọng, sẽ cho đào/kép quay về một triều đại không có thật, thuộc một thế giới song song nào đó. Song song là để đảm bảo ở thế giới đó vẫn có chung văn hóa, dùng chung ngôn ngữ, chứ xuyên sang hành tinh khác, có mà thành quái vật, làm gì còn gì mà đàm tình thuyết ái.
  2. Tại sao phải xuyên việt, đơn giản là đào/ kép chính sẽ là trung tâm của một sàn yêu đương sôi động (mượn chữ sàn của sàn giao dịch chứng khoán cho máu lửa:D), mô hình phổ biến là nàng có 1 dàn các anh yêu nàng điên đảo, yêu nàng si mê, mà để như vậy thì nàng cần phải có cái gì đó đặc biệt hơn người. Cho nên xuyên việt rất chi là tiện lợi, nàng cứ đem một mớ kiến thức thập cẩm, một vài triết lý sống, một vài quan niệm xã hội hiện đại siêu khoa trương ra mà phát ngôn, đảm bảo các anh lác mắt.
  3. …đại loại như: thơ từ Đường Tống nàng cứ ‘mượn’ thoải mái mà phun châu nhả ngọc (xuyên việt sang thế giới song song tiện là tiện ở cái chỗ này, thích mượn gì thì mượn, ko phải suy nghĩ nhiều. Chứ xuyên việt về lịch sử thật, muốn mượn thơ từ Đường Tống chẳng nhẽ cứ phải xuyên về Xuân thu chiến quốc, với Tần Hán); các loại ý tưởng mới lạ như kể những truyện cười độc nhất vô nhị, nấu món ăn chưa ai ăn bao giờ, hát bài hát chưa ai nghe bao giờ, đưa ra ý kiến độc đáo, vân vân và vân vân, cũng được tận dụng để thể hiện sự thông minh hơn người, bản sắc sáng tạo của nàng. Ở cấp độ nặng hơn, như truyện Gian thương… gì gì đó, nàng xuyên việt về quá khứ làm kinh doanh, tổ chức thi hoa hậu (đi kèm bán phiếu bình chọn, giống kiểu dịch vụ nhắn tin bình chọn sao mai với idol gì đó), mở khách sạn năm sao (quảng cáo bằng pano, tờ rơi, sự kiện, mượn một vài celebrities tham gia như vương gia, hoa khôi thanh lâu, đại tài tử..), mở trung tâm shopping, mở tòa báo, thế mới ghê! (bên dòng sắc hiệp có 1 truyện khá nổi đình nổi đám là Cực Phẩm Gia Đinh, xây dựng nhân vật chính siêu nham nhở, anh này cũng xuyên việt, về quá khứ còn ‘thiết kế’ ra cả đồ lót phụ nữ để kinh doanh)
  4. Về tính cách: đặc điểm nổi trội là nàng láo láo, kiên cường, và thánh thiện. Không giống như đàn bà cổ đại tại gia tòng phụ xuất giá tòng phu, lấy chồng là phục tùng, cam chịu, bị vùi dập là chỉ khóc lóc, nàng là nàng không sợ bố con thằng nào hết. Mấy cái lễ nghĩa cổ đại không coi vào đâu đã đành, nàng cãi lý, tranh luận, mặc cả với chàng như cơm bữa (đặc biệt trong bối cảnh chàng quyền trên vạn người, dưới 1 người). Ở cái giai đoạn mà chàng còn đang hắt hủi, ko thèm để ý đến nàng (cũng là một motif quen thuộc- như thế về sau chuyển sang yêu đương điên đảo nó mới hấp dẫn), nàng ‘mày không cần bà, bà cũng ko cần mày’, nên dù chàng có cư xử tệ bạc thế nào nàng cũng nhơn nhơn ra, kèm theo vài câu tuyên bố xanh rờn như thích tự do, muốn ly hôn, cần bỏ chồng… khiến cho chàng không thể không chú ý đến nàng. Ấy thế nhưng nàng thánh thiện, ở cái chỗ là nàng vô cùng quán triệt một số tiêu chuẩn hiện đại về dân chủ, nhân quyền (hehehe), kiểu như ai sinh ra cũng có quyền bình đẳng, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, mạng người là quan trọng, xã hội cần được quản lý bằng luật pháp…Trong cái bối cảnh cổ đại giết người như nghóe, phân biệt giai cấp rõ ràng, thì cái mớ lý thuyết + thỉnh thoảng đem ra áp dụng của nàng trở nên thánh thiện vượt bậc (again, làm cho chàng ngưỡng mộ không sao kể hết).
  5. Nếu không phải bối cảnh xuyên việt, tức là nàng cũng là người cổ đại, thì nàng cũng thường có những đức tính+ tư tưởng trên (khác với phụ nữ bình thường). Tuy nhiên đôi khi kiểu nhơn nhơn của các nàng hơi khác, ko bao giờ thèm tranh sủng với đám đàn bà khác, ko thèm cãi nhau với chàng, cứ kiên cường mà chịu đựng sự vô tình tàn khốc của chàng, chàng vùi dập nàng đủ kiểu mà ko làm gì được khiến chàng tức sặc máu –> chuyển sang yêu.
  6. Chàng – kép chính: hoàn mĩ của hoàn mĩ. So với kép chính của ngôn tình, mấy anh hùng hảo hán của võ hiệp chưa là cái gì. Mà mấy anh hùng hảo hán của dòng võ hiệp đã là bước tiến xa so với mấy anh hùng trong Thủy Hử (tiền thân của võ hiệp). Trong Thủy Hử, các anh được tý võ, thêm tý tình nghĩa huynh đệ. Nhưng các anh ko đẹp trai, xuất thân hèn kém (trừ một vài trường hợp đặc biệt như Quan Thắng, Dương Chí…). Nghề nghiệp, kha khá là công chức quèn, không thì lao động tay chân (đánh cá, đi săn, đi bán rong bán dạo), tệ hơn là làm đao phủ, cai ngục, tệ hơn nữa là thất nghiệp hay trộm cắp, lừa đảo, ăn cướp. Trí tuệ không có gì đặc biệt, tính xấu nào cũng có, tham lam, cờ bạc, rượu chè, hám gái (ở thái cực khác là ko thèm để ý đến gái, nhưng cũng chẳng gái nào để ý đến), côn đồ; về tác phong thì siêu thô thiển: hơi tý là động chân động tay, ăn uống nhồm nhoàm; chưa kể là thất học mù chữ. Sang đến truyện chưởng Kim Dung, Cổ Long… kép đã đẹp trai hơn,  gia thế (nếu có đề cập) cũng hiển hách hơn chút (mặc dù hay chết thảm), hiển hách nhất chắc là nhà anh Đoàn Dự với Lý Tầm Hoan. Các anh cũng thông minh hơn, toàn thiên tài võ học, trừ anh Quách Tỉnh cần cù bù thông minh. Về nghề nghiệp, hì, các anh chả nghề ngỗng gì, khá vô công rồi nghề. Thường là bận chăm chăm trả mối huyết hải thâm thù sát phụ sát mẫu, không thì do tự dưng mà bị lôi cuốn vào vụ án này kia trên giang hồ. Tiền bạc không thiếu nhưng ko giàu, bất động sản không có (hình như có anh Tây Môn Xuy Tuyết sở hữu 1 trang viện). Tác phong: các anh hay trốn trong rừng sâu, núi cao, sa mạc luyện võ nên nói chung các anh khá giản dị, thậm chí là cục mịch, khá hơn chút thì lãng tử như Lệnh Hồ Xung, nhưng nói chung trừ võ ra thì các mảng kiến thức khác  các anh tương đối khiêm tốn ( tất nhiên trừ mấy anh con nhà giàu như Đoàn Dự với Tầm Hoan , hay anh Lục tiểu Phụng có vẻ sành ăn sành uống).
  7. Đến kép chính của ngôn tình. super hot boy. đẹp trai chết người. Nếu vẻ đẹp trai của các anh hùng võ hiệp chỉ được tả bằng 1, cùng lắm là 2 dòng, đại loại như mặt đẹp như ngọc, mắt phượng mày kiếm, có thế thôi, thì vẻ đẹp của các kép ngôn tình được tả bằng cả đoạn văn, từ quần áo, trang phục, trang sức, đến đầu tóc, mặt mũi, vóc dáng, giọng nói, và những thứ trừu tượng như phong thái đều được miêu tả tỉ mỉ. Mà những điều này được nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại. Điểm nổi bật con người các chàng toát ra thứ mị lực không ai cưỡng nổi (cái từ mị lực là mốt lắm). Hoàn cảnh xuất thân, các chàng toàn xuất thân cao quý, vương gia công hầu, cho nên giàu có đã đành, luôn có bất động sản là cái vương phủ to đùng ở kinh đô, lại sang trọng hơn đời, thi thư lễ nhạc đủ cả. Hơn thế nữa, các chàng cũng siêu giỏi võ, nhiều chàng kiêm nhiệm cả vị trí cao thủ hay minh chủ võ lâm. Là vương gia công hầu thì đương nhiên các chàng bận chuyện quốc gia đại sự, tức là làm việc nhớn, trị quốc bình thiên hạ, nhiều chàng tương lai lên làm hoàng đế, hoặc tuy làm vương gia nhưng quyền khuynh triều chính –> siêu giỏi (hì bận chuyện quốc gia đại sự nhưng các chàng vẫn dư thời gian đuổi bắt tình yêu với nàng – truyện tình yêu mà lị). Về tính cách: hay nha, nhẹ nhàng là lạnh lùng cao ngạo, nặng hơn nữa có chút nhẫn tâm với nàng, nặng nữa là bá đạo, biến thái. Tuy nhiên tất cả các tính cách này đều biến thành đáng yêu, thành mị lực chết người, ai bảo khắp thiên hạ anh hùng hảo hán giang hồ thì lắm, chứ còn vương gia thì được mấy người. Với cả, bù lại là, xung quanh chàng vô số mĩ nữ, nhưng 1 khi đã yêu nàng thì chàng trở nên dịu dàng vô biên, chung tình đến chết, mà chàng rất chi là nghe theo cái thuyết 1 vợ 1 chồng do nàng mang từ thời hiện đại về truyền bá :-P.
  8. Kép phụ: là các kép cạnh tranh tình cảm với kép chính. Lại so sánh với kiếm hiệp. Trong kiếm hiệp cứ kép chính là đương nhiên được yêu, căn bản ko có cạnh tranh. Thỉnh thoảng tạo tý cạnh tranh cho vui, nhưng nói chung kép phụ thua hẳn kép chính ko mặt này thì mặt nọ, thực chất là ko đủ trình để ganh (ví dụ như miêu tả Âu Dương Khắc xấu xa ko đọ được với Quách Tỉnh danh môn chính khí [Xạ Điêu Anh hùng truyện], hay Lệnh Hồ Xung tuy ko được Nhạc Linh San yêu nhưng lại được em Doanh Doanh gấp mấy lần em Linh San, còn em Linh San vớ phải anh Lâm Bình Chi vì luyện Tịch Tà Kiếm Phổ mà tự cung, hự [Tiếu Ngạo Giang Hồ], anh Mộ Dung Phục ko bằng anh Đoàn Dự nên em Ngữ Yên quay sang yêu anh Dự là hợp lý [Thiên Long Bát Bộ cũ, không phải bản sửa mới nhất là anh Đoàn Dự yêu em Mộc Uyển Thanh như thiên hạ đồn thổi], hay anh Vương Lân Hoa không bằng anh Trầm Lãng [Võ lâm ngoại sử], Long Tiêu Vân ko bằng Lý tầm Hoan [Đa tình kiếm khách vô tình kiếm]). Ngôn tình ngược lại. Kép chính hoàn hảo thế nào thì kép phụ hoàn hảo tương đương, thậm chí còn hơn. Cũng đẹp trai, cũng tuấn nhã, cũng giỏi văn giỏi võ, cũng vua chúa vương gia công hầu. Chưa kể trong cái lúc kép chính vô tình, lạnh lùng, tàn nhẫn với nàng, kép phụ luôn dịu dàng, ôn nhu hết mực, không ngại ngần bày tỏ tình yêu, yêu nàng vô điều kiện, bảo vệ nàng, hy sinh vì nàng … Nhưng đương nhiên, là kép phụ nên ko bao giờ đến được với nàng. Vai trò của kép phụ chỉ là để tăng độ hấp dẫn của nàng, tăng phần gay cấn cho câu truyện, và, hic, để câu tiếc nuối, câu nước mắt, câu sự thương tâm của người đọc (trời ơi, sao ko yêu cái anh dịu dàng ôn nhu, tình yêu cảm động đến trời xanh kia T_T).
  9. Cốt truyện: tình cảm là chủ, kịch tính hay cao trào đều liên quan đến tình cảm. Cho nên, những tình tiết sau luôn được sử dụng triệt để: đeo mặt nạ để che dấu thân phận, có hai thân phận, nữ phẫn nam trang (để xem nàng yêu thân phận nào của chàng, để tạo cơ hội cho chàng phát hiện ra những cá tính hay ho của nàng…); một trong hai bị ám sát đến trọng thương, hạ độc, bắt cóc (để bên bờ sinh tử phát hiện ra đã yêu từ lúc nào ko biết, hoặc để bày tỏ tình cảm thắm thiết với nhau); sự xuất hiện của nhân vật thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5… (kép phụ/ đào phụ), tấn công dồn dập, nếu là đào phụ thì có thêm tý đâm bị thóc, chọc bị gạo,  để có tý ngang trái, cạnh tranh, ghen tuông; giải thích cho sự hờ hững lạnh lùng, đôi khi là tàn nhẫn ban đầu của chàng, thì là chàng theo lệnh cha mà cưới nàng làm vương phi nhưng thực chất là ko yêu nàng, chàng bản tính lạnh lùng biến thái, thảm hơn tý nữa là chàng yêu người khác nhưng phải lấy nàng (nên phũ phàng với nàng cho bõ tức), thảm nữa nữa là chàng có mối hận lòng trong quá khứ nên xoay ra hận đàn bà, nhưng không sao, mặc cho chàng diễn tuồng gì, nàng cứ ơ hờ 1 tý, kiên cường 1 tý, thánh thiện 1 tý, là có ngày chàng xoay ra yêu nàng như điên như cuồng, trước chàng càng tàn nhẫn thì sau này chàng càng hối hận, càng yêu điên cuồng; để chứng minh cho tình yêu vô đối của chàng với nàng là màn sinh ly tử biệt nửa vời (sinh ly tử biệt thật thì lại thành kết thúc ko có hậu), ví dụ như vì hiểu lầm mà chàng xua đuổi nàng dẫn đến chia tay vài năm, hay do chiến tranh loạn lạc, bị kẻ thù hại… mà nàng mất tích vài năm, dẫn đến việc là chàng phải tìm kiếm nàng trong hy vọng mong manh, phải làm Hòn vọng phụ, nhưng chuyện nhỏ, đợi thì đợi, càng đợi càng yêu, phần thưởng là cuối cùng trâu quay về còn dẫn theo nghé (trước màn mất tích hay có màn có thai, nhưng chưa ai biết).

Tạm tạm là như thế. Quay lại câu mở đầu, tại sao lại phải cảnh báo? Hì hì, là vì tác động ko lường hết của sách truyện. Tuy ai cũng biết là truyện bịa, về căn bản trên đời ko có mấy soái ca mười phân vẹn mười (vừa có nhan sắc, vừa giàu sang lại đặc biệt chung tình), cũng ko có tình yêu siêu lãng mạn thiên trường địa cửu, đồng sinh cộng tử, gì gì đó (trên đời thực ra ko nhiều drama như chúng ta tưởng), nhưng cũng ko thể ngăn nổi con người ta mơ mộng chút hả? Tác giả truyện ngôn tình, phần đông là nữ giới, mà độc giả truyện ngôn tình, cũng toàn nữ giới. Gần đây báo chí hay đưa tin, phụ nữ châu Á chê đàn ông châu Á thôi thì đủ thứ, thiếu đàn ông, ko ga lăng… tỷ lệ ế chồng của phụ nữ châu Á ngày càng cao, phụ nữ châu Á ko thấy hôn nhân hấp dẫn vân vân, không biết bao nhiêu phần là do expectation và dream của phụ nữ châu Á vào tình yêu, hôn nhân ngày càng cao lên đây?

Thế mới nói, nàng nào thông minh thực tế, lãng mạn nhưng vừa phải, tha hồ đọc truyện ngôn tình cho đời thêm vui. Còn nàng nào đã ế và đang  chuẩn bị ế, nhưng lại siêu sến (như những ai kia hehehe)… thì nên có chút cân nhắc (nếu vẫn còn muốn lấy chồng). 😀

Hoa Sinh.

About Hoasinh Anhca
Trì Trung Hoa sinh hưởng lạc - Chi Thượng Anh ca mạn đề

24 Responses to Tản mạn về ngôn tình [cổ đại]

  1. Cảm ơn điểm sách, theo như bài viết trên thì e ko thích thể loại này rồi 😦
    Thế bạn đọc xong KTHP chưa, mềnh nghe bạn kể mà phim còn ko mún coi chứ truyện nữa.
    Thấy có đứa nào nó dẫn link bài án kỷ đạo, e vào xem thấy truyện ngôn tình đấy, hôm nào sửa bài xong chắc ngồi đọc cái truyện đó, xem tại sao mà nó có cái bài từ đó, hahahah
    Dạo này thơ từ e còn nản đọc ko vào, nói j tới truyện vs lại ngôn tình. Phải ngồi sửa 2 chương đầu theo 1 đống feedback, thãm ơi thãm 😦

    Anh ca

    Like

  2. Mà quên chưa khen, bạn viết cuốn hút ghê, bài dài mà mình đọc ko sót chữa nào á 😛

    Like

  3. Si says:

    Cảm ơn à. Dù có bỏ đi 1 tháng nhưng tinh thần con hát mẹ khen hay vẫn duy trì ổn định hả.

    Khuynh thế hoàng phi hình như đọc được 1/4 1/5, tò mò là chính, nhưng ko hiểu có gì hay???

    Ngôn Tình hay mượn các loại thơ từ liên quan đến tình yêu, nên chắc mượn Tống từ ko có gì lạ… đặc biệt là mấy bài thất tình, đa tình, tương tư này kia…

    Like

  4. Pingback: Ỷ hoài kỳ 15 – Hoàng Cảnh Nhân « Hoasinh_Anhca

  5. Pingback: Phim review: Tân Hồng Lâu Mộng « Hoasinh_Anhca

  6. Pingback: Hoasinh_Anhca

  7. Ôi chao, e vừa coi cái stats, thấy nhiều người đọc cái bài này cho nên e vào đọc lại, ngồi cười sặc sụa 😛

    Like

  8. Vô Phương says:

    Siêu có lý =)). Bài dài mà đọc hài chết người :x.

    Like

  9. Min says:

    Dạo này mở list truyện ko dám đọc truyện mới, thì ra tậm trạng như nàng nói, cười chết mất 😀

    Like

  10. says:

    tớ hay đọc truyện ngôn tình, cũng đọc khômg ít truyện xuyên không cơ mà cũng thấy nhận xét của bạn rất đúng với khá nhiều truyện ngôn tình mà cụ thể là truyện xuyên không. :))))
    cơ mà dù sao tớ đọc là để giết thời gian, giải trí thôi cho nên vẫn tiếp tục :”)

    Like

  11. Sae ▪ Lót says:

    Thấy khó chịu nhất là cái kiểu nữ chính xuyên không về là được nam chính đổ ầm ầm. Mà một số bộ nữ chính còn rất “háo sắc”, nghĩa là muốn cả hậu cung cơ, nhưng sau đó chỉ đổ một anh và chung tình với anh đó và thế là những anh còn lại được chị “trêu hoa ghẹo nguyệt” thất tình cả lũ.

    Nhớ lần trước có đọc một bộ, nữ chính xuyên không, phát biểu câu rất hay “Đời đâu phải tiểu thuyết mà cứ xuyên là được nhiều người theo”, nhưng thế mà đời vẫn là tiểu thuyết, bao nhiêu anh nam quan trọng xuất hiện thì bấy nhiêu anh nam yêu chị, còn một anh thì yêu anh nam chính =)) (ấy thế mà sau vẫn rung động với chị mới tài chứ lị = =~)

    Dù sao bộ đó vẫn hơn những bộ khác vì chị này xác định chung tình và tuyệt không để ý những người khác. Có cái đọc xong rồi vẫn chưa đọc lại vì nhàm quá.

    Like

  12. Thu Hiền says:

    chị viết hay quá đi, hài chếtđi đc.thật ra cũng chả mấy tin gì vào mấy cái trn này nhg mà bị nó lôi cuốn kinh khủng.con gái mà.hay mơ mộng lắm.thanks chị nhiều nhá.

    Like

  13. giống m dã man toàn lựa tr nào vui vui 1 tí mới đọc, lâm ly bi đát cho nghỉ lun, kiểu đọc 1 2 chương đầu, 1 2 chương giữa, chương cuối là xong con ong, thành ra bjo đọc tên tr nào cũng thấy wen wen k nhớ nổi đọc r hay chưa, có khi đọc lại cũng k bjz ấy, rảnh wa’ mà =))))))

    Like

  14. Thiên Lạc says:

    Haha,cái đoạn nàng nói mình già,ko đủ kiên nhẫn đọc hết,rồi đọc mấy chương đầu sang đọc chương cuối,ko đọc truyện ngược…..giống t phải biết.
    Thank bài của nàng nhiều lắm.

    Like

  15. chenby96 says:

    Chào bạn, ^_^

    [Chẳng biết nên xưng hô thế nào, thôi thì cứ gọi thế đi.]

    Đọc bài viết của bạn, mình cứ tủm tỉm cười hoài. Bạn nói đọc chỉ như [cưỡi ngựa xem hoa], thế nhưng, lại có thể đúc kết rất nhiều chi tiết [chuẩn không cần chỉnh] về Ngôn tình. 🙂

    Mình [trước đây] đọc nhiều ngôn tình lắm và giữa cổ hay hiện đại, mình chẳng nghiêng về bên nào hết. Hay thì đọc thôi. Và điểm này cũng giống bạn nè, chỉ thích [kết thúc có hậu]. Bộ mình thích nhất [và cũng là bộ lôi kéo mình vào thế giới mộng mơ mang tên Ngôn tình Trung Quốc] là [Bên nhau trọn đời] của Cố Mạn. Cho đến giờ [và tương lai xa xa], bộ này vẫn giữa nguyên vị trí quán quân. 🙂

    Cơ mà, nhiều lúc mình cũng [nghiền ngẫm] một vài truyện bi. [Cảm giác đau nhói khiến mình tỉnh táo,… à, mình bị thần kình đấy, đừng để ý =.= ] Truyện bi thì có khi đọc cả bộ, không đủ thời gian thì chỉ đọc đoạn cuối, thậm chí đoạn đầu chẳng rớ [lí do đôi khi không phải sợ đau mà là do mình không đủ kiên nhẫn =’=]

    Về cơ bản, đọc truyện Ngôn tình thỉnh thoảng cũng có vài bộ phân tích tâm lý thấy cũng hay hay, hợp tình hợp lý. Văn phong nhiều bộ lại ẩn chứa một điều gì đó rất lãng mạn, rất bay bổng, thâm sâu, đầy ẩn ý, thu hút suy ngẫm [chắc đây là thêm một lí do người ta, trong đó có mình, thích đọc truyện Ngôn tình nhẩy…]

    [Nói một hồi, chẳng biết bản thân đang nói cái gì nữa @_@]

    À, về lời cảnh báo thì, mình ế sẵn rồi nên chẳng sao cả, ^o^ . Dầu sao, tính mình được [chê] là thực tế quá nên đọc truyện lãng mọn vô cho [tâm lý] quân bình nhỉ ~

    Like

  16. kimie says:

    có lý ghê. Chắc bữa nay mình nên chuyển sang thể loại khác để găm nhấm thôi ^^

    Like

  17. dodocute says:

    chuẩn quá ss ơi :)))

    Like

  18. solar_saturn says:

    thường thường, đã đọc truyện rồi là k muốn xem phim
    mềnh đồng tình nhất với twilight, xem chẳng hay gì cả, thế mà mọi ng vẫn mê mẫn
    à há. mấy bộ nàng đọc, theo cá nhân mình thì đó chỉ là ngôn tình thế hệ 2 mà mình đọc. còn thế hệ đầu, dạng như truyện của Phỉ ngã tư tồn, diệp chi linh, tân di ổ,… thì cũng k tới mức như thế đâu.
    mà đúng là bh, tìm một bộ ngôn tình ưng ý khó thật. đọc mấy motif đó nhàm quá rùi

    Like

  19. Hehe, cảm ơn các nàng lại nhà :P. Nàng nào giới thiệu cho ta cuốn ngôn tình nào hay hay có được ko? Nhiều fans ngôn tình thế này, chứng tỏ nó có vẻ thú vị quá.

    Like

  20. Phong Yên says:

    Đời ta mới đọc có 2 bộ ngôn tình, là Yêu em từ cái nhìn đầu tiên với Bảo vật giang hồ, còn lại thì chỉ nghe kể sơ sơ, mà đọc bài viết này của nàng không nhịn được cười :”) Nàng viết rất lôi cuốn a, ta đang buồn ngủ mà cũng ráng tỉnh táo đọc không bỏ sót dòng nào đấy :”)

    Đúng là dạo này ra nhà sách thấy ngôn tình ngập mặt thật… Ta già cả cổ hủ rồi nên cũng chẳng hiểu sao nó lại lôi cuốn mọi người đến thế ^^~

    Còn ế thì ế sẵn rồi, không đọc ngôn tình vẫn ế dài ra thôi :))

    Ngày lành nhé. Thân ^^

    Like

  21. Hy-chan says:

    Văn phong của bạn thích quá đi xDDDD~ Nửa đêm mà mình ngồi cười như con dở. Nói ra mình cũng không đọc nhiều ngôn tình lắm, nhưng bạ bộ nào từng đọc cũng phải có chục nét mà bạn nêu ra trong bài, đau hết cả bụng =))))))))))~

    Phải bookmark cái bài này lại, khi buồn liền lấy ra xem cho đỡ ảo não hí hí ^^~ Cảm ơn bài viết nha~

    Like

  22. Pingback: Đọc Harry Potter và tán nhảm về Quan hệ Quốc tế… « Hoasinh_Anhca

  23. Pingback: Tối độc phụ nhân tâm và thể loại phim/truyện cung đấu | Hoasinh_Anhca

Leave a comment