Biệt Nguyễn đại lang kỳ 3 – Nguyễn Du

Mấy hôm tinh thần xuống dốc, đọc bài này, thấy vận vào thân…

Tuy nhiên Nguyễn Du + ngũ ngôn –> đăng lên đây đặc biệt để tặng nàng Dật Ly (vẫn luôn nhớ là nàng đặc biệt có cảm tình với thể loại ngũ ngôn).

別阮大郎其三

君歸我亦去,
各在亂離中。
生子交情在,
存忘苦節同。
柴門開夜月,
殘笠走秋風。
千里不相見,
浮雲迷太空。

Giản thể

君归我亦去,

各在乱离中。

生子交情在,

存忘苦节同。

柴门开夜月,

残笠走秋风。

千里不相见,

浮云迷太空。

Quân quy ngã diệc khứ,
Các tại loạn ly trung.
Sinh tử giao tình tại,
Tồn vong khổ tiết đồng.
Sài môn khai dạ nguyệt,
Tàn lạp tẩu thu phong.
Thiên lý bất tương kiến,
Phù vân mê thái không.

Dịch nghĩa

Anh về thì tôi cũng đi,
Hai ta cùng sống trong buổi loạn lạc.
Sống hay chết, tình bạn vẫn nguyên,
Còn hay mất, tiết khí vẫn giống nhau.
Dưới ánh trăng, cửa tre để ngỏ,
Trong gió thu, anh đi đầu đội nón rách.
Nghìn dặm không trông thấy nhau,
Chỉ thấy mây trôi mờ mịt chân trời.

(nguồn: thivien.net)

Bài này còn có cả lời tuyên ngôn về khí tiết 🙂 gợi nhớ đến mấy bài gì mà nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ…

Không hiểu có phải cụ làm bài này khi từ chối làm quan cho nhà Tây Sơn? (lười check).

Khi nào rỗi cũng sẽ dịch, nhưng chưa phải bây giờ…

Hàn Sinh

Bản dịch lục bát của Vũ Khánh

Bác về tôi cũng về thôi,
Ra chi đôi phận giữa thời loạn ly.
Tử sinh chẳng tuyệt tương tri,
Mất còn tấc dạ nào khi đổi dời ?
Kìa ai trăng lọt cửa sài,
Ai kia mê nón nẻo ngoài gió thu.
Chốc đà muôn dặm còn ngờ,
Mà trông trời đất mịt mù thức mây.
1 version 6-8 khác của VK huynh

Bác về tôi cũng về thôi,
Ra chi đôi phận giữa thời loạn ly.
Tử sinh chẳng thẹn tương tri,
Tồn vong tấc dạ có khi đổi dời ?
Kìa ai trăng ló cửa sài,
Nón mê ai đó nẻo ngoài gió thu.
Chốc đà muôn dặm hãy ngờ,
Trông ra trời đất mịt mù thức mây.

Và đây là ngũ ngôn 

Bác về tôi cũng đi,
Hai kẻ thời loạn ly.
Tương tri tình vẫn vẹn,
Tồn vong tiết chẳng lìa.
Cửa sài trông trăng lọt,
Nẻo ngoài phất thu y.
Muôn dặm từ đây biệt,
Mờ mịt thức mây che.

Bác về tôi trở gót,
Đời loạn phận ra chi.
Sống thác tình vẫn vẹn,
Đổi thay tiết khó lìa.
Cửa sài ai ngóng nguyệt,
Đường thu kẻ nón mê.
Dặm ngàn thôi cách biệt,
Bầu không mây tứ bề.
Đây là sự đua đòi của bạn Anhca 😛

Bác về tôi cũng đi
Ra vào cõi loạn ly
Sinh tử tình còn mãi
Tồn vong tiết vẫn y.
Cửa nghèo mặc trăng chiếu
Nón tàn phất thu phong.
Ngàn dặm chừng nao gặp
Mịt mờ mây loạn bay.

(Hình ảnh “mây loạn bay” thật là… giết chết cả bài thơ :D)

Bản dịch ngũ ngôn của Yên Liên

(bài này găm mấy hôm ở đó, nhưng đến hôm nay vẫn chưa nghĩ ra cách sửa cho vừa ý hơn, nay tạm đăng lên đây)

Người về ta cũng đi
Sống giữa buổi loạn ly
Sinh tử giao tình giữ
Tồn vong khí tiết ghi.
Cửa tre trăng bạc ngỏ
Nón rách gió thu lìa
Ngàn dặm ai đâu thấy
Tầng không mây kéo về.(*)
(*) Phân vân ko biết để mây xám mờ hay mây kéo về.
Bản dịch lục bát của Yên Liên
Người về ta cũng bước đi
Gặp thời loạn lạc chia ly cũng đành
Giao tình sinh tử còn mang
Tồn vong khổ tiết thênh thang đôi lòng
Cửa tre ngỏ, ánh trăng trong
Gió thu nón rách hai đường từ đây
Ngàn trùng xa cách cho ngây
Trông lên chỉ thấy chân mây mịt mù.
Và một version hơi khác
Người về ta cũng bước đi
Gặp thời loạn lạc chia ly cũng đành
Giao tình sinh tử còn mang
Tồn vong khổ tiết thênh thang đôi lòng
Cửa tre ngỏ, ánh trăng trong
Gió thu nón rách hai đường cách xa
Ngàn trùng ta chẳng thấy ta
Chân trời mây phủ âu là thế thôi.

Hàn

About Hoasinh Anhca
Trì Trung Hoa sinh hưởng lạc - Chi Thượng Anh ca mạn đề

32 Responses to Biệt Nguyễn đại lang kỳ 3 – Nguyễn Du

  1. Hơ, bài này nghe hay nhỉ 🙂
    E sẽ dịch bài này (haha, mạnh miệng là giỏi, thực chất có làm dc hay ko thì… phải đợi hồi sau mới rõ)
    Anhca

    Like

  2. Cái phần đỏ đỏ thật là… bá đạo (ngôn ngữ xì tin trên mạng +_+)

    Like

  3. Sen says:

    bài này khó giữ nguyên 5 chữ lắm….
    Bá đạo thì mị lực mới lớn, hehe

    Like

  4. Sen says:

    đã có sản phẩm đầu tiên của anh Vũ Khánh. Thích câu “ai kia mê nón nẻo ngoài gió thu”, và thích từ “thức mây”.. đúng là cách vận dụng từ ngữ của VK ta ko bằng được…

    Like

  5. Anh VK dịch 6-8 đúng là hay hơn hẳn, thích nhất là 2 câu đối
    Kìa ai trăng lọt cửa sài,
    Ai kia mê nón nẻo ngoài gió thu.

    Btw, e đọc qua series tống tiễn bác Nguyễn Đại lang, thấy mấy phần kia cũng hay ghê, có nên tập hợp lại thành 1 post riêng để tiện việc tra cứu ko?

    Anhca

    Like

  6. Sen says:

    hơ nàng làm được thì tốt quá… chúc mừng bài dịch đã đăng lên… đề nghị tag vào tag Dật Ly.

    Vẫn hơi tiếc câu nón tàn phất gió thu nhỉ 😀

    Hay thêm 1 version: Nón tàn phất gió thu…. Chân trời mây mịt mù 🙂

    Like

    • Sen says:

      chú thích cho rõ ràng câu “nàng làm được thì tốt quá”, tức là cái ý này: “e đọc qua series tống tiễn bác Nguyễn Đại lang, thấy mấy phần kia cũng hay ghê, có nên tập hợp lại thành 1 post riêng để tiện việc tra cứu ko” –> nàng làm được thì tốt quá 🙂

      Like

  7. vu khanh says:

    “Thôi xao” chút, như sau, nhị vị cô nương thấy sao ?

    Bác về tôi cũng về thôi,
    Ra chi đôi phận giữa thời loạn ly.
    Tử sinh chẳng thẹn tương tri,
    Tồn vong tấc dạ có khi đổi dời ?
    Kìa ai trăng ló cửa sài,
    Nón mê ai đó nẻo ngoài gió thu.
    Chốc đà muôn dặm hãy ngờ,
    Trông ra trời đất mịt mù thức mây.

    “Nón tàn phất gió thu”: Câu dịch hay lắm đó ! Mỗ này tâm đắc.Chúc mừng. Nhưng làm cả bài đi để câu này thành tuyệt bút.

    Like

  8. vu khanh says:

    Một món mãi cũng chán. Vậy lây cảm hứng từ nhị cô nương, mỗ thêm bản ngũ ngôn này nhé:

    Bác về tôi cũng đi,
    Hai kẻ thời loạn ly.
    Tương tri tình vẫn vẹn,
    Tồn vong tiết chẳng lìa.
    Cửa sài trông trăng lọt,
    Nẻo ngoài phất thu y.
    Muôn dặm từ đây biệt,
    Mờ mịt thức mây che.

    Like

    • Sen says:

      VK huynh, khi huynh dịch ngũ ngôn, thất ngôn, là huynh cố tình phá luật, hay là huynh cho rằng vốn ko cần quan tâm đến luật?

      Like

  9. Haha, hoan nghênh VK huynh tích cực tung hàng… Thực ra thì dạo này mỗi ngày online, e đều phải làm vài ván angry birds và luyện vài tập Hàn-xẻng :P, cho nên là, nhã hứng để đọc thơ, bình thơ, dịch thơ… cũng bị phất gió thu mất mấy phần 🙂
    Em đưa 2 bản dịch sau của VK huynh lên. Đồng thời, vẫn ngóng đợi hàng từ Sen tỷ 😛
    Anhca

    Like

  10. Bình loạn ngoài lề:
    Đây là 1 bài thơ hay, đặc biệt là, càng đọc xuống dưới thì thơ càng hay 😛 (cái này có lợi mà cũng có hại, lợi là, nếu người đọc kiên nhẫn, thì càng đọc càng thấy thấm, càng phát hiện ra cái hay, dư âm càng lâu. Nhưng là hại ở chỗ, nếu qua loa, thì đọc câu 1-2 xong chán luôn, bỏ mất bài hay.

    Cả bài đều toát lên 1 đối xứng, câu 1 có anh về >< tôi đi, câu 2 ko có đối rõ ràng, nhưng có chữ "các" nghĩa là "cả hai người/mỗi người đều" cũng coi như 1 thể loại đối xứng đi 😛 (trảm phong)
    2 câu 3-4 đối chỉnh và khá hay, nhưng mà ấn tượng hơn lại là các câu 5-6, chủ yếu là do câu 6 hay

    Sài môn khai dạ nguyệt,
    Tàn lạp tẩu thu phong.

    Hai câu này thực ra hơi khó hiểu, vì cả 2 người đều đi, thế thì câu 6 ok rồi, giả dụ là 1 ngơời mang nón rách đi trong sương gió mùa thu đi, thế thì cái câu trên nghĩa là gì? 1 người vừa mở toang cửa rách bỏ đi, ko thèm đóng lại, mặc trăng rọi? Hay là người này đã về nơi ẩn trốn, nghèo khó, mở cửa trông trăng, ngóng người? Lại có người hiểu rằng, 1 người mở cửa gãy đi tống tiễn người đội nón tàn 😛 (chả hiểu ra sao nữa :()

    Hai câu cuối này mình lại thấy hay nhất đây 🙂

    Câu Thiên lý bất tương kiến, thực ra ko có j mới mẻ. Nhưng mà Phù vân mê thái không thì lại là 1 hình ảnh rất gây nhiều cảm xúc 😛
    – Phù vân: mây đang trôi
    -Thái ko: ko gian
    – Mê: làm hỗn loạn, làm điên đảo, gây mờ mịt, đại khái là rất hợp với cái bối cảnh "loạn ly" ở đầu bài.

    Đọc cái câu này, e liền liên tưởng đến cái bức tranh Tiếng Thét của ông Munch, mặc dù mỗi cái về một chủ đề khác nhau, nhưng cái cảm giác bất lực trước 1 sự hỗn loạn có lẽ là tương đồng…

    Vài lời để kích động 2 cây bút dịch thơ YL và VK 😛

    Anhca

    Like

    • Sen says:

      phân tích hay nhỉ… ta thích cái ý là 1 người mở toang cửa rách bỏ đi, mặc ánh trăng rọi. Cũng thích câu phù vân mê thái không, nhưng mà ko liên tưởng đến Tiếng Thét… cái tiếng Thét nhìn ko giống Nguyễn Du gì cả… tưởng tượng Nguyễn Du phải hơi giống tranh danmei cơ hehe

      Like

  11. vu khanh says:

    – Phù vân: mây trôi nổi hoặc chỉ là mây thôi ?
    Thái không: có lẽ nên hiểu Thái: rực rỡ nhưng hỗn loạn. Không: Không có gì, khoảng không, trống rỗng. Mây nổi hỗn loạn đầy trời, mù mịt, không thấy gì nữa – phải thế chăng ? Ý HS+DL ?
    – AC, ta chờ “hàng” YL chứ, chắc sẽ độc đáo, chẳng giống ai ! Hy vọng.

    Like

  12. vu khanh says:

    Chúc mừng, chúc mừng “hàng độc” của YL nữ sĩ ! 2 bản đều có khí vị cả. Chứng tỏ người dịch có nỗi niềm y như…tác giả. Xem chừng bản nguyên thể khá hơn thì phải – “Tầng không mây kéo về” có lẽ hay hơn – vì mây xám về thì là lối thơ hiện đại mất rồi, Cổ văn chỉ có mây, chứ không có màu mây, phải vậy không ?
    Lây cảm hứng, lại nộp thêm quyển nữa, 2 nữ CPCK chấm cho nhé:

    Nguyễn Du
    BIỆT NGUYỄN ĐẠI LANG kỳ 3

    Bác về tôi trở gót,
    Đời loạn phận ra chi.
    Sống thác tình vẫn vẹn,
    Đổi thay tiết khó lìa.
    Cửa sài ai ngóng nguyệt,
    Đường thu kẻ nón mê.
    Dặm ngàn thôi cách biệt,
    Bầu không mây tứ bề.

    Like

    • Sen says:

      vẫn câu hỏi trên của em “VK huynh, khi huynh dịch ngũ ngôn, thất ngôn, là huynh cố tình phá luật, hay là huynh cho rằng vốn ko cần quan tâm đến luật?”???

      em vốn ko biết cổ văn chỉ có mây, ko có mầu mây, đa tạ anh chỉ điểm.

      Like

    • Sen says:

      à về bài dịch ngũ ngôn này, em thích hơn bản trước ạ, rất tình!!!

      Like

  13. vu khanh says:

    – “Bản dịch ngũ ngôn này, em thích hơn bản trước, rất tình!!!”. Nếu nói lời cảm ơn YL – bà CCK giàu ý tưởng sáng tạo, luôn biết cách bao quát trường thi, sĩ tử – thì lại ra khách khí mất – chính a cũng lấy làm vừa ý hơn bản dịch ngũ ngôn sau này. Còn nếu có ý ấy, phải chăng là ở chỗ – mang mang thế sự, nhờ có cái “bàn đá” bên khe suối Internet này, mà thấy…đời còn có chút lên hương (!).
    – Câu hỏi của em, có nên trả lời không khi mà người hỏi rất rành về võ thuật ?! (Lại nhớ một nhân vật nữ rất ám ảnh của Kim Dung)
    – Đận trước – có mời 2 nàng ra xem thủy triều sông Tiền Đường, song phải lúc bị xây đập đầu nguồn Internet, nên lỡ hẹn. Nhị cô nương lần này ra xem chứ ? (Nếu mở riêng thành mục thì hay ?)

    LÝ ÍCH (748-829)
    GIANG NAM KHÚC
    Giá đắc Cù Đường cổ,
    Triêu triêu ngộ thiếp kỳ.
    Tảo tri triều hữu tín,
    Giá dữ lộng triều nhi.

    Dịch nghĩa:
    KHÚC HÁT GIANG NAM
    Lấy phải người lái buôn ở Cù Đường,
    Sáng sáng lại lỗi hẹn với thiếp.
    Nếu sớm biết nước triều luôn đúng hẹn,
    Thà lấy kẻ quen với sóng triều.

    Chú thích:
    Lộng triều nhi: chỉ người làm nghề chài lưới, bơi lặn trong sóng triều.

    Dịch thơ:
    *
    Lấy phải chàng buôn chuyến,
    Lỗi hẹn với em nhiều.
    Sớm biết triều đúng hẹn,
    Lấy quách kẻ lộng triều.
    NGUYỄN THỊ BÍCH HẢI

    *
    Chồng em chú lái Cù Đường,
    Người sao mười hẹn chín thường đơn sai.
    Sớm hay nước chẳng như người,
    Thà thôi lấy quách thằng chài cho xong !
    VŨ KHÁNH

    (DL luận về Lý Ích đi, YL cho giúp phồn thể với)

    Like

  14. Sen says:

    “Câu hỏi của em, có nên trả lời không khi mà người hỏi rất rành về võ thuật ?! (Lại nhớ một nhân vật nữ rất ám ảnh của Kim Dung)” –> có chứ ạ, em còn nhớ diễn đàn thơ của mình hồi trước, các tiền bối cũng chia làm 2 trường phái, 1 trường phải chủ trương giữ đúng luật làm đầu, 1 trường phái chủ trương giữ đúng ý, ý hay làm đầu, em ko biết khi dịch thể cổ (thất ngôn, ngũ ngôn), anh theo trường phái nào thôi?

    Em thì thấy trường phái nào cũng có cái hay riêng, nhưng từ trước đến nay luôn theo đúng luật làm đầu, có lẽ bởi vì mới ở trong giai đoạn tập dịch, dịch ko nhuần nhuyễn, từ ngữ cũng thiếu, nên như bác Phượng 1 lần nói, nếu bỏ cái luật đi thì chẳng còn cái gì nữa… chắc phải dịch được độ 1 trăm bài, mới đủ tự tin phá luật, phóng khoáng hơn, nhưng tới lúc đó còn xa lắm 🙂

    Không biết anh nói 1 nhân vật nữ ám ảnh của KD là nhân vật nữ nào? Hình như em chỉ liên quan đến 1 nhân vật họ Đông Phương thôi, con chim nhỉ?

    Bài của anh
    江南曲①
    李益
    嫁得瞿塘贾②,
    朝朝误妾期。
    早知潮有信③,
    嫁与弄潮儿。

    【注释】
      ①江南曲:古代歌曲名。
      ②贾:商人。
      ③潮有信:潮水涨落有一定的时间,叫“潮信”。 (copy từ trang này http://www.zk168.com.cn/zuowen/sucai/shici_252051.html)

    Phồn thể

    嫁得瞿塘賈, 
     
    朝朝誤妾期。  
     
    早知潮有信, 
     
    嫁與弄潮兒。

    Phần bình luận em nhường cho con chim đi trước ạ 🙂

    Like

  15. Sen says:

    Tán thêm, bài Giang Nam Khúc này, có lẽ phải đặt vào xã hội xưa mới hiểu biết cái thảm trong lòng của cô gái . Ngày xưa xã hội theo thứ bậc sỹ, nông, công, thương. Lấy phải anh đi buôn, đã là bị coi khinh nhất xã hội (theo lý thuyết), dân buôn thì luôn mang tiếng ko sản xuất ra của cải xã hội, chỉ mua rẻ bán đắt kiếm lời (lừa lọc quen thói). Anh này lại còn toàn sai hẹn. Vì thế thà rằng lấy anh thuyền chài, đúng hẹn, về sĩ diện thì còn hơn??? hì

    Cho nên bản dịch của anh VK, đã mang chút tư tưởng thời nay áp dụng vào 😀 “chú lái” nghe cũng ko sĩ diện gì mấy, nhưng “thằng chài” rõ là địa vị vô cùng thấp kém… Cách dùng từ “lấy quách”, khiến liên tưởng đến mấy truyện ngôn tình, nhân vật nữ hay nói tôi thà lấy con heo con chó còn hơn lấy anh, hay sớm biết anh thế này tôi thà lấy con heo con chó… 😛 tức là thằng chài là lựa chọn cuối cùng, cực chẳng đã mới đành phải lấy.

    Ngoài ra thì anh VK xét theo tiêu chuẩn hiện nay cũng hơi có chút tư tưởng phản cách mạng. Liên minh công nông là đội ngũ tiên phong của cách mạng VN, là giai cấp mang tính cách mạng nhất, là người lãnh đạo đưa mọi cách mạng VN đi đến thắng lợi cuối cùng thế mà anh VK lại dịch là “thằng chài”… (cơ quan anh Vũ Khánh tháng này đã làm công tác phê và tự phê chưa?) 😀

    Ngoài ra nữa thì cũng thấy anh VK chưa hoàn toàn thấm nhuần hệ tư tưởng kinh tế thị trường. Theo mấy phim thần tượng Hàn Quốc, Đài Loan… thương nhân là giới thượng lưu, anh Vũ Khánh lại gọi là “chú lái” chứng tỏ trong lòng vẫn có chút coi thường (của kẻ sĩ). 😛 😛

    Về bản dịch: phục anh VK chọn chữ “chú lái”. Nghe rất có phong vị riêng!

    Thắc mắc: đơn sai nghĩa là gì ạ? em check trên mạng ko ra.

    Like

    • – Nếu mà e ko nhầm, Lý Ích này hình như thường viết về lính chiến, biên cương, sao nay lại oán phụ phòng khuê thế này nhỉ?
      – Ah, nhân tiện, e cũng phát hiện, anh VK rất hay giới thiệu và dịch thuật các bài về phụ nữ đẹp, mỹ nhân nha. Thực đúng là lực hút trái dấu. Đông phương Trì, Đông phương giáo chủ thì em ko có rõ, nhưng mà em thì cứ là thơ các anh các chú đẹp trai manly thì em mới đọc ưu tiên đọc trước 😛
      – Bài thơ này, cô gái/thiếu phụ nhân vật trong bài em hơi khó hiểu:
      + Nếu mà cô ấy gia giáo chặt chẽ (ko biết dùng cụm từ nào cho chính xác đây, đang xem film Hàn xẻng đến hồi gay cấn, cho nên chi, vốn từ vựng đang vô cùng hạn chế), thì lấy chồng theo chồng, chồng thế nào thì chịu thế đấy, kêu ca cái gì chứ. Chỉ là “mười hẹn 9 thường đơn sai” chứ kể cả lấy 3 thê 7 thiếp thì cũng đành phải chịu mà thôi. Thãm cái thân phận phụ nữ thời phong kiến 😦
      + Nếu mà cô ấy có chữ nghĩa, có tự tôn cao như thế này (oán trách chồng), có lẽ cũng có thể bày trò j đó mà làm, tìm bạn tri âm tri kỷ nào đó lúc chồng đi chứ hả? Theo ngôn ngữ thời nay thì, chồng làm thương nhân, tiền như núi, thôi bao vài anh trẻ đẹp giải khuây vậy, cho bõ tức. Việc j phải lấy 1 “thằng chài”, để rồi suốt ngày vất vả mưu sinh, chưa chắc đã được ngồi trong lầu ấm than vãn, hihi 😛
      + Tán phét mấy câu cho vui. Thực ra, phụ nữ thời xưa, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, bao nhiêu thế lực áp đặt, ko thể tự quyết vận mệnh, âu cũng là 1 nỗi bi kịch…

      Về bài dịch thơ của anh VK, e thấy cmmt của YL tỷ rất là khai sáng 😛

      @ Anh VK: Ở đây, chúng ta có 1 vị chuyên nghiên cứu về 1 thứ mà người ta gọi là “thuật phân tích diễn ngôn”, tục gọi là bắt bẻ (câu chữ), cho nên là, chúng ta đây thực sự là phải vô cùng cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói.
      Phần cmmt cụ thể và sinh động trên đây chính là 1 bài tập minh họa đây (để em học tập mấy skills này mới dc)

      Anhca

      Like

  16. vu khanh says:

    – Từ Đơn sai ư ?- Một từ thuần Việt, chỉ nghía Sai – đối nghĩa với Tín. (lại bằng hai từ ! cũng như sai ngoa). Học theo Đoàn nữ sĩ mà:
    …Thư thường lại người không thấy lại,
    Gốc hoa tàn lẫn dãi bóng dương.
    Bóng dương mấy lớp xiên ngang,
    Lời sao mười hẹn chín thường đơn sai…(CHINH PHỤ NGÂM)

    – Các muội bàn về “chú lái” và “thằng chài” thú vị đó. Tình cảnh này của cô gái Giang Nam cũng từa tựa nàng cầm ca trong Tỳ bà hành (Phan Huy Vịnh dịch):
    …Khách trọng lợi quên đường ly cách,
    Mải buôn chè sớm tếch nguồn khơi.
    Thuyền không đậu bến mặc ai,
    Quanh thuyền trăng dãi, nước trôi lạnh lùng…

    – Có lẽ, đây là sự mâu thuẫn muôn thuở khó dung hòa trong tâm lý người Đàn bà thế gian. Vậy mới có Giang Nam khúc để lấp đầy khoảng trống mâu thuẫn đó. Câu chuyện này có vẻ dài dài…
    – YL à, câu chuyện này cách nay hơn nghìn năm mà.

    Like

  17. Sen says:

    – Đơn sai

    Tính từ
    (Từ cũ) thiếu trung thực, không giữ đúng như lời
    nói đơn sai
    “Cửa hàng buôn bán châu Thai, Thực thà có một, đơn sai chẳng hề.” (TKiều)
    (nguồn: http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/%C4%90%C6%A1n_sai)

    – Câu chuyện cách nay nghìn năm, nhưng người dịch câu chuyện sống trong thời hiện đại, lồng tư tưởng hiện đại + của bản thân vào (bản nguyên gốc dùng chữ cổ, theo nghĩa giải thích là thương nhân, chứ ko gọi thương nhân là chú lái; cũng gọi người làm nghề chài lưới là lộng triều nhi, chứ ko gọi là “thằng chài”). Vì thế mới có những lời bình như ở trên ạ.

    – Con chim ngâm cứu để thảo luận này: “Có lẽ, đây là sự mâu thuẫn muôn thuở khó dung hòa trong tâm lý người Đàn bà thế gian. Vậy mới có Giang Nam khúc để lấp đầy khoảng trống mâu thuẫn đó” (gợi mở: rất tiếc Giang Nam khúc lại do đàn ông làm) 🙂

    Like

  18. Vũ Khánh says:

    Bản dịch của cụ Trần Trọng Kim, mời các muội tham khảo:

    KHÚC HÁT GIANG NAM
    Lấy chồng anh lái Cù Đường,
    Hẹn sai, sáng sáng thiếp mang nỗi phiền.
    Ví mà sớm biết triều tin,
    Thà rằng lấy quách anh quen chơi triều.
    (ĐƯỜNG THI, Trần Trọng Kim tuyển dịch, Nxb Văn hóa Thông tin. H.1995. tr.393)

    Thêm nữa, bản dịch của Nguyễn Hà:
    Lấy anh lái Cù Đường,
    Sớm sớm buồn thất tín.
    Biết sóng triều đúng hẹn,
    Lấy “con nước” vui hơn !

    (ĐƯỜNG THI TỨ TUYỆT, Nguyễn Hà tuyển dịch, Nxb Văn hóa Thông tin. H.1996. tr.249)
    – Nhân vật nữ KD là Vương Ngữ Yên, YL à.
    – Sao chưa thấy DL múa bút về Lý Ích ?

    Like

  19. Vũ Khánh says:

    Có bài Đường thi này, tìm chưa ra tác giả. Người thì bảo là Lý Long Cơ, người khác cho là của Lương Hoàng. DL thử tra cứu giùm xem. Bài này cũng hay.

    QUỶ LỖI NGÂM
    Khắc mộc khiên ti tác lão ông,
    Kê bì hạc phát dư chân đồng.
    Tu du lộng bãi tịch vô sự,
    Hoàn tự nhân sinh nhất mộng trung.

    Dịch nghia:
    VỊNH TƯỢNG GỖ (con rối bằng gỗ)
    Đẽo gỗ, đeo tơ vào làm ông lão,
    Da gà, tóc hạc giống như người thật.
    Chơi đùa mãi rồi chán, bỏ đấy lặng im vô sự,
    Lại giống như đời người – một giấc mơ.

    Like

  20. Sen says:

    Lý Long Cơ – Đường Minh Hoàng???

    Like

  21. Sen says:

    刻木牽絲作老翁
    雞皮鶴髮與真同
    須臾弄罷寂無事
    還似人生一夢中

    Giản thể

    刻木牵丝作老翁
    鸡皮鹤发与真同
    须臾弄罢寂无事
    还似人生一梦中

    http://www.haoshici.com/Lilongji10739.html
    http://www.haoshici.com/Lianghuang17054.html

    Trang đề của người này, trang đề của người kia,
    Baidu: http://baike.baidu.com/view/53604.htm
    “有唐玄宗《傀儡吟》一首:刻木牵丝作老翁,鸡皮鹤发与真同。须臾弄罢寂无事,还似人生一梦中。此诗又作梁锽诗,题作 《咏木老人》;《明皇杂录》又渭是李白所作,题作 《傀儡》”

    Nhưng nhiều trang đề là của Lý Long Cơ/ Đường Minh Hoàng/ Đường Huyền Tông.

    Like

  22. Vũ Khánh says:

    Quả bài này hàng hiếm. Vậy mà vẫn có được. Cảm ơn các muội. Song khẳng định là của ai là nhiều hơn ? Nguyễn Hà dịch là (nguyên thể):
    Đẽo gỗ, đeo tơ hóa lão ông,
    Da gà, tóc bạc thật vô cùng.
    Chơi xong phút chốc, im, vô sự,
    Lại giống con người – giấc mộng chung !
    (sđd)
    H tạm dịch là (6/8):
    Buồn tình đem gỗ đẽo chơi,
    Ông già tóc bạc da mồi giống chưa !
    Chơi rồi trông lại ngẩn ngơ,
    Tượng kia sao giống giấc mơ kiếp người !
    (Thấy bài này hay nên đưa ra cùng các muội. Nhớ khẳng định giúp tác giả. Tồn nghi cũng được)
    Các muội cứ chiến Giang Nam khúc đi. Tin là h sẽ đỡ đòn được.Nhớ đừng đánh cho chết,
    Cùng lắm thì phế một phần võ công của người ta thôi nha.

    Like

  23. Sen says:

    Về tác giả, đã gửi link ở trên, anh mở link ra tìm hiểu. Cũng có trích lại một câu tiếng Trung ở trên, anh đọc câu đấy thì rõ ạ.

    Like

Leave a comment