Lại bàn về bài Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư

Hồi trước từng có một cuộc nói chuyện rôm rả với con Chim về bài Cáo tật thị chúng, nhưng quá lười để viết lại, nay nhân dịp bài này được xới lên, ngứa miệng lại tán vài câu vậy (người nhà này, cái gì cũng nửa vời, ngay cả tu tâm dưỡng tính cũng nửa vời, khi nào im miệng đi còn đỡ, đã “ngứa miệng lên” là lại chém gió ra đủ vấn đề không giống ai, khiến cho khối người, có tình cờ đi ngang qua và đọc, phải “khi tựa gối, khi cúi đầu, khi vò chín khúc khi chau đôi mày” :-P).

Bình luận thì không dám bình luận, vì ta đây tự cho là không đủ trình để bình văn/thơ/từ/kệ vân vân và vân vân. Cắt nghĩa Phật pháp này nọ thì cũng không dám, vì ta đây cũng không phải cao tăng đắc đạo hay có kiến thức thâm uyên về Phật giáo gì cả. Ta đây chỉ dám đưa ra một vài nhận xét mang tính vô cùng chủ quan thôi.

CÁO TẬT THỊ CHÚNG

Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai.

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tùng đầu thượng lai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tân,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Mãn Giác Thiền Sư)

Dịch:

CÓ BỆNH BẢO MỌI NGƯỜI

Xuân đi trăm hoa rụng,

Xuân đến trăm hoa cười.

Trước mắt việc đi mãi,

Trên đầu già đến rồi.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua sân trước một cành mai.

Bài này được coi là kinh điển của dòng thơ Thiền/ Phật thời Lý- Trần ở Việt Nam. Bởi vì tác giả là một cao tăng đặc biệt có tiếng, nên quy ra là bài thơ mang ý tứ Thiền/ Phật cao xa là điều xem chừng rất hiển nhiên.

Nếu đã dùng đến thân thế và sự nghiệp của tác giả để minh chứng cho ý nghĩa của bài thơ, thì phải chú thích thêm là trước khi trở thành nhà sư, tác giả “thông cả Nho- Thích” (theo như bài trên wiki, và vì quá lười mà ta đây bỏ qua công đoạn tìm nguồn uy tín cao hơn để trích dẫn), và sống vào thời mà Nho- Đạo- Phật đã hòa trộn vào nhau lắm rồi, đến mức đôi khi khó phân biệt đâu là Nho, đâu là Đạo, đâu là Phật (mặc dù ở Việt Nam, theo như nghiên cứu của các nhà lịch sử/ văn hóa, ảnh hưởng của Phật giáo đậm nét hơn).

Tất nhiên là với cái sự nửa vời của ta đây, Phật đã không thông, mà Nho – Đạo cũng láng máng, nên không thể đưa ra phát hiện tôn giáo/ triết học mới nào so với những phân tích, cảm nghĩ rất xuất sắc, sáng tạo cũng như uyên thâm của mọi người. Ta chỉ thấy là, Mãn Giác thiền sư, để diễn tả những ý vạn vật tuần hoàn, thời gian trôi đi này nọ như mọi người phân tích, cũng dùng những hình ảnh ước lệ “xuân đến xuân đi”, “hoa nở hoa tàn”, “tuổi già tóc bạc” mà không hiếm thấy trong thơ từ cổ [Trung Quốc], do những thi nhân thường được gọi là “nhà Nho” làm  (mặc dù nhiều trong số họ cũng có xu hướng Phật/ Đạo). Ví dụ chứng minh chắc phải hỏi con Chim, có khi đưa ra được cả rổ. Tự hỏi, không hiểu mấy bài thơ từ cổ do các nhà Nho làm, mà cũng nhắc đến xuân đi hoa tàn, tuổi già tóc bạc này nọ, đã có ai phân tích dưới góc độ Phật giáo và coi đó là tổng kết uyên thâm về triết lý đạo Phật chưa? Và tự hỏi, những ý đại loại như vật đổi sao dời, thương hải tang điền, thời gian trôi đi mãi, hoa nở hoa tàn kiểu như trên, là đặc sản của Phật giáo, hay là sản phẩm chung của tôn giáo/ triết học/triết lý/ văn hóa phương Đông, mà hòa quyện cả Nho- Đạo-Phật?

Đặc biệt hai câu cuối, ta từng thắc mắc, tại sao lại là “nhất chi mai”??? có thể lý giải như sau: (i) mai là hoa đặc trưng của mùa đông, mùa xuân gì đó, đang nói về mùa xuân thì đương nhiên phải là hoa mai, chẳng nhẽ lại là “nhất chi liên”- một nhành sen :-P; (ii) về mặt thi vận, ngoài “mai” ra không còn hoa nào khác, vì chỉ có “mai” mới vần với mấy chữ “khai”, “lai” ở trên; (iii) hoa gì không quan trọng, có thể là mai, có thể là hoa khác, quan trọng là ý tứ của câu thơ/kệ muốn chuyển tải.

Tuy nhiên thì: (i) Việt Nam vào thời Lý chỉ bao gồm miền Bắc Việt Nam, mà ở miền Bắc hình như không có hoa mai, chỉ có hoa đào. Tất nhiên không loại trừ khả năng vào thời đó hoa đào được gọi là hoa mai (điều này ta chưa nghiên cứu). Tuy nhiên, khả năng cao hơn là hình ảnh hoa mai cũng được lấy từ hệ thống ước lệ trong thơ từ cổ [Trung Quốc]; (ii) với kiến thức hạn hẹp của ta, chưa đọc được ở đâu hoa mai có ý nghĩa Phật giáo gì, nhưng trong hệ thống ước lệ thơ từ cổ, ta biết là hoa mai có ý nghĩa lớn đấy (tham khảo thêm ở đây).

Hiển nhiên, việc sử dụng hệ thống ước lệ thơ văn đang thống trị trong xã hội lúc bấy giờ là điều không tránh khỏi. Bản thân Phật giáo nói chung, khi du nhập vào Đông Á, là khi hệ thống diễn ngôn (ngôn ngữ/ tư tưởng) đậm nét “Nho giáo” đã thiết lập vị trí độc tôn, cũng đã phải mượn rất nhiều ngôn từ, ý tứ đã có sẵn trong xã hội để chuyển tải tư tưởng của mình (Gọi là hệ thống diễn ngôn “đậm nét Nho giáo”, bởi vì những người kiến tạo nên hệ thống diễn ngôn đó được xã hội gắn mác nhà Nho hơn là nhà sư hay đạo sỹ).

Chỉ ra những thứ như ở trên không nhằm chứng minh là bài thơ/ kệ mang ý nghĩa tư tưởng Nho giáo, hay phản bác những phân tích đáng quý cho rằng bài này mang triết lý Thiền sâu xa. Ta chỉ đơn giản cho rằng, như đã từng nói đùa với con Chim, nếu đặt giả thiết, tác giả của bài thơ/kệ không phải là Mãn Giác thiền sư, mà là một ai đó khác, thì thế hệ hậu bối chúng ta sau này, hoàn toàn có thể diễn giải bài thơ theo một cách khác.

Ví dụ như, nếu tác giả là Nguyễn Trãi, có thể phân tích rằng, thời gian vô tình trôi, hoặc là thiên nhiên cứ tuần hoàn vô tình, trước mắt bao việc trôi qua, nhưng chưa cứu được nước, chưa thực hiện được bao ý định dang dở, mà tuổi già đã đến rồi. Tuy nhiên không vì thế mà mất hy vọng, dù là xuân tàn hoa rơi hết, nhưng vẫn còn một cành mai nở rộ – cành mai đại diện cho ý chí kiên cường bất khuất không chùn bước trước khó khăn gian khổ, cho niềm tin quyết thắng vào cuộc đấu tranh giành độc lập chính nghĩa của dân tộc (đúng với ý nghĩa của hoa mai nhé :)).

Lại ví dụ nữa, nếu tác giả là Nguyễn Du, hay ai đó khác, như Nguyễn Bỉnh Khiêm chẳng hạn, có thể phân tích rằng, thời gian tuần hoàn, hoa nở rồi hoa tàn, rồi lại nở, rồi lại tàn, chỉ có đối  với con người là vô tình lãnh khốc, những việc đã qua không bao giờ quay lại nữa, tuổi già bỗng chốc mà đến, hay là thế sự thay đổi không ngừng, chỉ ngồi nhìn thế sự trôi qua trước mắt mà bỗng chốc tuổi già đã đến. Tuy nhiên dù thời cuộc có chao đảo chừng nào, hoàn cảnh sống có bần cùng thế nào, vẫn thấy một cành mai nở rộ- cành mai đại diện cho phẩm chất thanh cao bất diệt của người quân tử.

Thế nào, nghe cũng được đấy chứ hả? 😛

Qua đây để cho thấy, nếu tách bài thơ/kệ ra khỏi Mãn Giác thiền sư với chức danh là “cao tăng”, thì bản thân bài thơ/kệ không có gì là triết lý Thiền/ Phật quá cao siêu cả. Thiền là do cách hậu bối chúng ta cảm nhận ra mà thôi. Lại phải khẳng định thêm một lần nữa, những dòng viết này không hề phủ định những phân tích về tính Thiền/ Phật của bài thơ/kệ. Xét đến thân thế và sự nghiệp của tác giả, ta cũng cho rằng suy luận về ý Thiền/ Phật của bài thơ/kệ là thuyết phục. Nhưng ta muốn nêu lên ý kiến rằng, đã là cảm nhận, thì có thể có nhiều cách cảm nhận khác nhau, tùy theo góc độ của từng người, và không nhất thiết cảm nhận nào là sai, là không hiểu gì về “nhất chi mai” của Mãn Giác thiền sư (thật ra nói cho đến cùng, chỉ có duy nhất Mãn Giác thiền sư mới hiểu ý nghĩa của nhất chi mai thôi).

Xã hội phải có bách hoa đồng phóng,bách gia tranh minh – trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng, mới có tiến bộ chứ hả? 😀

 —

Hoa Sinh

About Hoasinh Anhca
Trì Trung Hoa sinh hưởng lạc - Chi Thượng Anh ca mạn đề

15 Responses to Lại bàn về bài Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư

  1. Hehe, đã mua máy tính rồi cơ ạ?
    Hì, bài này người viết rất hợp ý em (đây là mẹ hát con khen hay hehee), đúng là ý nghĩa của nhành mai thì chỉ có cụ MG mới hiểu dc… Cái gì mà cái chết của tác giả ấy nhỉ… Một khi đã viết ra cho người khác đọc rồi thì ko thể bảo đảm dc ý tưởng của tg vẫn còn nguyên.

    Về cái 1 nhành mai: theo em, mai ở đây – có khả năng rất lớn – ko phải là mai vàng, vì mai vàng mọc ở miền nam, ít ra là từ miền trung vào. Mà thời của cụ MG thì nước Việt (Đại V hay gì đó) hình như chưa kéo tới miền Trung. Vả lại cụ MG chắc sống ở kinh thành hoặc loanh quanh ở các vùng miền bắc cho nên hoa mai vàng có lẽ ko thân quen lắm. Huống gì chữ hoa mai trong thơ văn cổ thường chỉ để nói về 1 loại hoa, hoa mai TQ, mà ở Vn chúng ta gọi là hoa mơ ở tây bắc. Nhưng hoa này, theo điển cố văn chương thì tượng trưng cho mùa đông… Còn tình hình thực tế ở VN thì e cũng ko rõ lắm, chưa lên tây bắc ngắm hoa mơ hoa mận bao giờ. Như vậy, nếu giả thiết cụ MG dùng hoa mai với hàm nghĩa như trong điển cố TQ, là kiên cường giữa trời đông giá rét, thì cũng ko hợp lý mấy, vì nếu thế có lẽ phải viết “mạc vị đông tàn hoa lạc tận”. Nhưng mà đông thì hoa nào chẳng tàn, trừ hoa mai. Hay là ý tác giả là ko những đông tàn mà xuân cũng tàn nhưng mai vẫn nở, nó sống dai tới tận 2 mùa 😀 (mùa xuân thông thường thì hoa mai đã biến thành quả mơ sắp chín ăn dc rồi hehe). Cho nên e thì thường nghĩ, chẳng qua là tác giả muốn nhấn mạnh 1 cành hoa gì đó vẫn còn nở khi nx hoa khác tàn, chọn nhất chi mai vì nó hợp vần 😀

    Mọi thứ đều có thể thay đổi, hoa này nở, lá kia rụng, người này già bé kia sinh… nhưng mà có 1 cái cành hoa mai vẫn nở… Hì, e nghĩ ngta diễn dịch thiền ở chỗ này, rằng là mọi thứ vô thường nhưng quy luật của đạo phật là bất biến…

    Có 1 vấn đề mà hình như mọi người chưa khai thác – đó là cái tên của bài này 😛 Thường thì cái tên là thứ chuyển tải cái ý cô đọng nhất của 1 văn bản (hì, trừ các thể loại vô đề 1 vô đề 2…) – tại sao ông lại đặt cái tên như vậy? Tên này có thể hiểu như thế nào, trong liên quan tới bài thơ?

    Anhca

    Like

  2. Si says:

    – vẫn đang lay lắt với cái máy cũ… thẻ ngân hàng đang có vấn đề nên chưa mua được máy mới.
    – mai trong điển cố TQ ko chỉ có ý nghĩa kiên cường bất khuất đâu, mà còn cả đống ý nghĩa khác nữa… có vẻ như nó là 1 loại hoa được người ta gắn cho nhiều ý nghĩa nhất.
    – tên bài thơ này ko phải do tác giả đặt, mà là do hậu bối đặt, hình như là Lê Quý Đôn, nếu ko nhầm.

    Like

  3. dongylam says:

    hoa mai trong phật giáo rất có ý nghĩa bạn ạ, ý nghĩa thế nào bạn có thể ngẫm qua 1 bài thơ của 1 thiền sư sau nhé:
    “Trần lao quýnh thoát sự phi thường
    Hệ bã thằng đầu tố nhất trường
    Bất thị NHẤT PHIÊN HÀN TRIỆT CỐT
    TRANH ĐẮC MAI HOA PHỐC TỶ HƯƠNG”
    p/s: mình chỉ là một người khách qua đường thi tính hay xôm xỉa, lỡ có gì làm cả nhà phật lòng cũng mong thông cảm ^^ thực ra mình cũng là một silent reader thường xuyên ghé và rất thích những bài viết trong nhà các bạn, hôm nay đánh bạo xin mở mồm một chút :”>

    Like

    • Si says:

      Hello there, thank you for leaving a comment. Interesting to know that there is another Buddhist monk composing a poem abt “hoa mai”.

      Nhà này tiếp thu mọi ý kiến đóng góp, đặc biệt welcome những ý kiến về những thứ người nhà này chưa biết :-), đúng không hả con Chim?

      Nàng (suppose that you are a girl?) có thể tiện tay cung cấp bản dịch nghĩa và tên tác giả được ko? we are not good at Chinese and Sino-Vietnamese, nếu không nói là rất dốt… phải hiểu nghĩa trước mới ngẫm được.

      (đây được gọi là được voi đòi hai bà Trưng đây)…. hahah… cheers

      Like

    • Thanks nàng nhiều về thông tin này nhé. Thực sự rất bổ ích.
      Welcome nàng vào thảo luận nữa… Blog này là nơi bọn mình bàn luận (tục gọi là chém gió) đủ thứ thượng vàng hạ cám. Kiến thức vô tận, bọn mình thực sự rất mong nhận được các bình luận, góp ý hoặc là cung cấp thông tin từ những người khác…

      anhca

      Like

  4. Bài trên là Thượng Đường Khai Kỳ Tụng của Hoàng Nghiệt Thiền Sư (黃檗禪師)
    Nguyên văn là:
    上堂開示頌
    塵勞迥脫事非常,
    緊把繩頭做一場;
    不是一番寒澈骨,
    爭得梅花撲鼻香

    Dịch nghĩa là:
    Muốn thoát khỏi cõi trần là một sự phi thường
    Nắm chặt đầu dây thừng làm 1 … (câu này e hem hỉu :D)
    Nếu không trải qua lạnh thấu xương
    Làm sao có mùi thơm nức mũi như hoa mai…

    Nghĩa là nếu không gian khổ thì ko đạt được thành tựu. Vì đây là 1 bài “tụng” nên nó sẽ được hiểu theo nghĩa thiền, nhưng “hoa mai” liên quan hay tượng trưng gì cho Phật pháp thì e nói thực là e cũng ko rõ ràng lắm (vì e ko phải Phật tử, hic hic).

    Có lẽ cụ MG cũng theo 1 phái Thiền nào đó, cho nên bài Cáo Tật Thị Chúng cũng được viết và hiểu một cách rất thiền. Hoa mai trong bài đó mang ý nghĩa Phật giáo.

    Ngoài lề: Thơ từ tụng kệ của thiền sư này có lẽ ko dc thông dụng trong dân chúng, mà có vẻ chủ yếu phổ biến trong giới Phật tử. Tuy nhiên, 2 câu cuối của bài này lại vô cùng famous, 1 phần là vì có thể hiểu nó theo kiểu 1 câu khuyên răn đời thường như là “có chí thì nên (gội đầu)”, 1 phần là do nó đã dc phổ biến bởi má mì ngôn tình Quỳnh Dao, trong truyện Mai Hoa Lạc (hì, e chưa đọc :P)

    Anhca

    Like

  5. Em bonus thêm 1 link về cách diễn giải “nhất chi mai”
    http://www.thongthienhoc.com/bai%20vo%20nhatchimai.htm

    Theo chu kỳ tiến hóa ( luân hồi),con người thể hiện qua các thể để tiến hóa nên cái định luật xuân tàn này chỉ ứng dụng cho thế giới sắc tướng của các thể mà thôi. Hình tướng biến thiên, còn mất, ẩn hiện, đôi khi người ta còn gọi nó là thế giới mộng ảo nhưng Sự Sống, Chơn Nhơn, con người thực, linh hồn vẫn trường tồn bất diệt.

    Nghĩa là: nhất chi mai chính là linh hồn… Xác có thể mất, kiếp này là người, kiếp sau là vật, nhưng hồn thì mãi còn nguyên.

    (Hì, e tưởng phải mong đạt tới cảnh giới kể cả hồn cũng ko tồn tại, bay vào Nirvana chứ nhỉ :P)

    Bonus 2, về hoa mai và thiền, có tác phẩm Baike (mai hoa) của thiền sư Dogen (thế kỷ 13, Nhật bản)…

    Like

    • dongylam says:

      mình thực sự, thực sự rất xin lỗi khi chỉ có thể rep sau khi bạn đã bưng được một đống thông tin về nhà, nhưng bạn thông cảm vì mắt mình đang gặp vấn đề nặng và chẳng mấy ngày nữa phải đi gặp bác sĩ rồi, hic TT hôm nay lén mở lap để hóng tin, may mắn là không nhờ đến mình chủ nhà cũng đã tự bắt tay một cách nhanh gọn và chuẩn xác…(mặc dù giới Phật tử chỉ thường biết đến ông thiền sư tác giả với tên Hoàng Bá thay vì Hoàng Ngiệt).
      Mình chỉ mới tìm hiểu về Thiền nên không dám chém điều gì(hơn nữa tình trạng sức khỏe không cho phép^^) nhưng rất tò mò vì ý câu: “bay” vào cảnh giới Nirvana(niết bàn?) thì cả linh hồn cũng không tồn tại” của bạn. Đó là ý của chính bạn, hay là bạn đã đọc ở đâu đó? Mình rất quan tâm bởi với mình đạo lý trong câu này rất không đơn giản, nếu là của bạn thì bạn có thể bày tỏ thêm một chút quan điểm không? Hoặc nếu không phải thì mong bạn sẽ cho mình cái nguồn :”>
      p/s: rảnh thì bạn reply, không cần gấp đâu ^^ bởi vì khả năng 1 thời gian dài mình sẽ không thể lên mạng, nhưng mình vẫn chờ tin nhé, cảm ơn bạn rất nhiều!

      Like

      • Trước hết là thanks tình cảm yêu mến của bạn vs blog, vì bị bịnh vẫn “lén mở laptop” vào hóng tin 😀 Chúc bạn mau khỏi mắt nhé.
        Về câu hỏi của bạn, haizzz, đầu tiên mình phải thừa nhận là mình thực sự không có kiến thức gì nhiều về PG, cho nên cách hiểu của mình về PG có lẽ là nông cạn và có thể lệch lạc.
        – Cái vụ Niết bàn, mình ko nhớ rõ lắm, nhưng đại khái hồi xưa mình đọc hay nghe qua đâu đó là con người cứ chết-tái sinh-chết-tái sinh từ dạng này sang dạng khác, nếu ai trả được hết nghiệp thì ko cần phải tái sinh nữa. Khi đó họ ko còn tồn tại, và lúc đó họ ở đâu thì ko ai biết dc, kể cả chính họ, vô sắc vô ảnh, vô ý niệm gì gì đó đại khái thế. Hì, nhưng có thể tớ hiểu sai về niết bàn, vì hình như người đang sống vẫn đạt dc niết bàn. Nhưng ý của tớ là hình như có 1 cảnh giới gì đó mà ko có sắc có hình, ko xác ko hồn gì đó ấy, có thể nó ko gọi là Niết bàn.
        – Cmmt [“bay” vào cảnh giới Nirvana(niết bàn?) thì cả linh hồn cũng không tồn tại”] nói thực là có khinh suất. Đại khái lúc đó tớ chỉ thấy cái cmmt “thế giới mộng ảo nhưng Sự Sống, Chơn Nhơn, con người thực, linh hồn vẫn trường tồn bất diệt” hình như quá chấp niệm về một linh hồn bất diết. Nếu hiểu như vậy thì cụ MG có vẻ vẫn chưa thoát tục mấy?
        Theo tớ biết thì hình như đạo Phật có dạy về vô ngã và vô thường, ko có 1 cá nhân tồn tại mãi và ko đổi. Phật cũng ko nói là có linh hồn bất diệt, Phật nói con người đừng tìm hiểu, đừng ao ước về vấn đề linh hồn có bất diệt hay ko. http://www.thongdat.com/Buddhism_ThichCaMauNi3.html
        Nếu như vậy thì cái cmmt rằng “chơn nhơn, con người thực, linh hồn vẫn trường tồn bất diệt” hình như là ko đúng tinh thần phật giáo lắm?

        Hì, đây là cách hiểu của tớ, có lệch lạc gì bạn cứ chém ác liệt nhé 😀

        anhca

        Like

  6. Si says:

    Vô cùng cảm ơn con Điểu nhi. 2 hôm rồi ta nằm bẹp trên giường… tuổi già nó thế đấy …

    Câu hỏi của ta về ý nghĩa Phật giáo của hoa mai, là hỏi về ý nghĩa theo kiểu nó đã trở thành 1 hình ảnh ước lệ cho 1 triết lý phật giáo nào chưa (ví dụ, “đóa mai vô thường”)? và phổ biến đến mức cứ nhắc đến là hầu như ai cũng hiểu, ví dụ như nhắc đến liễu là hiểu ngay nhắc đến tình bạn vân vân.. hay là nó từng được nhắc trong kinh kệ, điển tích phật giáo nào (mình chưa đọc nhiều đến mức phát hiện ra)??? hay trở thành thứ mà các Phật gia hay ngồi lên như hoa sen? 😛

    Còn theo những bài ở trên, thì mới thấy nó được dùng như 1 metaphor, nhưng flexible, tùy theo cá nhân ai gắn ý nghĩa nào vào cho nó cũng được, Theo cái sự tài sơ học lậu của ta, ý nghĩa của nó trong bài của Mãn Giác thiền sư với Hoàng Nghiệt thiền sư là hoàn toàn khác nhau.

    BTW, tưởng đi tu là tu mà vui, vui mà tu chứ nhỉ 😛 hay Hoàng Nghiệt thiền sư theo trường phái hành xác? 🙂

    Like

    • Thông báo trước, cmmt dài nha, thở sâu 1 phát lấy sức mà đọc 😛

      Nói chung e thì ko có kiến thức về PG… Hôm qua có ngồi sợt 1 hồi, đại khái cảm thấy như sau:
      – Hoa mai được ưu ái trong văn hóa TQ, NB, trở thành ước lệ nên cũng dc yêu mến trong văn hóa VN (tuy nhiên vì VN ko nhiều hoa mai lắm nên nó thưc sự ko popular như trong văn học TQ và NB, nơi mà năm nào hoa này cũng nở như cát sông Hằng).
      – Hoa này đặc biệt dc đề cao trong Khổng giáo, hi hi hoa mai là hoa của quân tử (hoa đào chắc của kỹ nữ 😀 ). Tuy nhiên trong Phật giáo của TQ thì có vẻ ko có ý nghĩa gì thực sự đặc biệt. Trong phật giáo thường có những loại hoa rất trừu tượng như Ưu đàm hay Mạn đà la gì đó… Còn những hoa hoét cụ thể thì chỉ thấy có hoa sen, cây bồ đề.
      – Chỉ có 1 nhà thiền sư người Nhật tên là Dogen, sống tk 13, mới bắt đầu dùng nó như 1 hình ảnh tượng trưng trong đạo P. Thậm chí ông viết: “The ‘plum blossoms in snow’ is the appearance of the udumbara floweer.” Nói thực thì đọc đoạn trích về hoa mai của ông ý e ko hiểu gì hết >_<
      Tuy nhiên có 2 điểm cần để ý: 1 là ông này ko chỉ dùng hoa mai, mà còn dùng hoa đào, hoa hạnh, liễu… để làm metaphors nữa mà hoa đào cũng quan trọng ko kém hoa mai.

      My late Master, the Old Buddha Tendō, once said in verse,
      What Reiun saw were peach blossoms opening
      What I see are peach blossoms scattering.
      Keep in mind that the opening of peach blossoms is what Reiun saw. He expressed
      it in his poem as, “And straightaway—at that very moment—I arrived, never again
      to be in doubt.” The falling of the petals of the peach blossoms is what Tendō
      himself saw. The opening of peach blossoms is aroused by the breezes of spring.
      These winds abhor the scattering of the blossoms’ petals. Even though the spring
      winds abhor the peach blossoms scattering thus, this scattering may well equate
      with the dropping off of body and mind.

      Trong tập sách Shōbōgenzō, xem tại http://www.shastaabbey.org/pdf/shobo/066udong.pdf

      2 là trước và sau ông ấy hình như ko thấy tụng kệ của ai về hoa mai (và hoa hoét nói chung) (hình như nhé, vì chắc hẳn cái sự sợt của e là có hạn chế), mà ông ấy sống sau cụ MG, cho nên việc tác phẩm ông này inspire cụ MG là ko (hì, hay có khi cụ MG nhà mình lại influence ông ý chứ chẳng chơi).

      Nói về bài của cụ MG, e thì vẫn nghĩ rằng hoa mai chẳng qua có ý nghĩa đẹp, lại hợp vần nên được chọn, chứ k phải nó có 1 ý nghĩa cụ thể trong PG, vd sự siêu thoát, sự ngộ đạo gì đó (hic, cố chấp quá). Có điều e lại suy ra 1 cách hiểu về bài thơ và 2 câu cuối như sau (hì, cảm nhận cá nhân cảm nhận cá nhân :D):

      Cách hiểu này cũng từ đọc ông Dogen j đó mà ra, ông này viết

      The Buddha-Mind
      Is nothing other than the mind
      That urges service on behalf of the world and its people
      Before our own affairs.
      Because we focus on ourselves, this takes a struggle,
      But when the Buddha-Mind is awakened
      Even hard effort changes into something worth living for.

      Nghĩa là con người thường quan tâm tới nx thế sự trần tục, một khi thoát dc các các suy nghĩ này, ngộ được cái nhìn phật giáo (Buddha Mind, chưa đọc kinh kệ tiếng Việt nên ko biết đây là khái niệm gì) thì các thể loại sinh lão bệnh tử, hoa nở hoa rụng, sự đến tuổi đi, xuân tàn hoa lạc tận đều vô nghĩa hết. Cụ MG nhìn thấy nhất chi mai giống như là cái Buddha Mind của cụ ấy dc awakened ý. Thế thôi.
      Ngày xưa đi học có học bài này, nếu như trí nhớ của e chuẩn thì hình như hồi ý được giảng là dù đối mặt với tuổi tác sinh lão bệnh tử nhưng sức sống mãnh liệt, tinh thần kiên trung bất khuất như hoa mai thì vẫn còn hì hì… (hiểu theo kiểu này có vẻ hơi trần tục ko nhỉ?)

      Càng xem trên mạng, càng thấy nhiều cách hiểu về 2 câu thơ trên, thậm chí có người còn hiểu là cụ ý tuy theo Phật nhưng lại sống rất "tốt đời đẹp đạo", ý thơ khuyên răn người ta phải yêu đời yêu cuộc sống, lúc nào cũng phải tận hưởng mùa xuân này nọ 😛

      … cho nên, thôi thì, ai hiểu thế nào thì hiểu vậy 😀

      Liked by 1 person

  7. Si says:

    Chà chà khi con Điểu nhi nổi máu điều nghiên là gạo xay ra cám.

    Hôm nọ ta còn ngồi nghĩ, nếu tác giả bài Cáo tật thị chúng là Tố Hữu, thì hoa mai còn đại diện cho ánh sáng chân lý của Đảng chứ chẳng chơi… 😛

    Nói lại, chúng ta quên mất một vấn đề quan trọng nữa, là mấy bài kệ/ tụng này làm ra, cho đối tượng nghe là ai?

    Ví dụ như, nếu như cụ làm để giãi bày nỗi lòng, thì hoa mai này có thể có ý nghĩa cao siêu thiền thiếc này nọ (hoặc là không, tất nhiên chỉ có cụ mới hiểu). Còn nếu như đơn giản cụ làm để răn dạy lũ con chiên đệ tử đang loi choi xung quanh thì sao? có thể đơn giản nó chỉ mang ý nghĩa, hoa mai chính là Đạo Phật/ niềm tin vào đạo Phật… cụ dạy các con ráng mà tu, đơn giản thế thôi 🙂

    btw, ngộ ra cái nhìn phật giáo, hình như người ta dùng từ “giác ngộ”, chính là cái socialist discourse sau này mượn từ giác ngộ của buddhist discourse, hay đấy chứ hả???

    Like

  8. Si says:

    Vì rất nể mặt các bạn, nên lạch cạch ngồi gõ ra đây một đoạn trong sách Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1 của Viện Triết Học năm 1993, Chủ biên: PGS Nguyễn Tài Thư; Các tác giả: GS Phan Đại Doãn, PGS Nguyễn Đức Sự, GS Hà Văn Tấn, PGS Nguyễn Tài Thư, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, tr. 204-206 (ko đảm bảo gõ đúng chính tả hết nhé :-D):

    – Trong khi quan sát sự biếnđổi thường xuyên của thế giới hiện thực, các vị chân tu thời Lý- Trần vẫn nhìn ra được những giá trị vĩnh hằng bất sinh bất diệt. Giá trị đó được tượng trưng bằng một đóa hoa mãi mãi tươi màu trước sự biến đổi không ngừng của biết bao hoa lá, và kiếp người, hoặc được tượng trưng bằng viên ngọc sáng hay bông hoa sen không hề rã cánh trong lò hỏa. Vì thế mà Mãn Giác thiền sư đã nhấn mạnh:

    “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
    Đêm qua sân trước một nhành mai”.

    Ngộ Ấn thiền sư cũng có nói trong bài kệ của mình:

    “Ví như ngọc đốt trên núi, mầu sắc vẫn đẹp
    Như hoa sen nở trong lò lửa vẫn tươi màu.”

    Giá trị đó là cái bản thể duy nhất có một không hai của tất cả mọi sự vật nên cũng gọi là nhất như. Và cái nhất như ấy thể hiện trong các vật thể và hiện tượng thiên hình vạn trạng của thế giới trần gian với tư cách là tự tính hay bản tính của tất cả các vật thể và hiện tượng.

    Cái bản thể nhất như ấy tuy thể hiện ở muôn vật của thế giới hiện tượng, nhưng không đồng nhất với muôn vật, như lời Trường Nguyên thiền sư đã nói: “Ở trong ánh sáng bụi trần, thường dời ánh sáng bụi trần” và mối liên hệ giữa cái bản thể ấy với mọi hiện tượng trước hết là với thân xác của con người đã được Đạo Huệ thiền sư diễn tả đầy đủ trong bài kệ:

    Xác thân và diệu thể
    Chẳng hợp chẳng lìa xa
    Nếu người muốn phân biệt
    Trong lò một nhành hoa.

    Cái bản thể nhất như, cái diệu thể ấy (hic ko rõ là diệu thể hay điệu thể, sách in từ năm 93 hơi nhòe nhoẹt – Si) theo quan niệm của các thiền sư thời Lý- Trần là một thực thể siêu việt và tạm được gọi là không, là vô vi (hehe, sao lại mượn từ của Thích ở đây thế này – Si), pháp tính hay Như Lai. Tuy gọi là không, nhưng không phải là cái không tuyệt đối đối lập với cái có tạm thời của thế giới hiện tượng. Cho nên nó không phải là hoàn toàn không. Nó cùng với mọi sự vật trên thế gian là một, như nước bể với sóng. Nó phổ biến ở khắp mọi nơi không đâu là không có. Sự biểu hiện của nó ở mỗi con người là bản tâm, là chân tâm, phật tính. Song tâm có chân tâm có vọng tâm. Chân tâm là thực, là thường, vọng tâm là giả, là vô thường. Vậy chân tâm là bản thể là tự tính đồng thời cũng chính là Phật, là Như Lai. Cho nên đối với mỗi tín đò Phật giáo thì Như Lai hay Phật không ở đâu xa mà ở tại tâm. Đây không phải cái tâm sai biệt của những con người cụ thể mà là cái tâm đại đồng phổ biến đồng nhất với Như Lai.

    Do đó, Thông sư thời Lý đã giải đáp câu hỏi của đệ tử “thế nào là Phật”, rằng “Bản tâm là Phật.” Hơn nữa, Thường chiếu thiền sư thường có bài kệ:

    “Ở đời này làm thân người
    Tâm là kho tàng của Như Lai
    Soi sáng khắp nơi nơi
    Càng tìm càng thấy rộng.”

    … (bỏ môt đoạn ngắn)

    Tóm lại tự tính, chân tâm là một thực tại siêu việt, một bản thể thần bí, phi vật chất và ko có tính quy định, nhưng nó tồn tại vĩnh hằng và là nguồn gốc của mọi hiện tượng và sự vật hữu hình…

    ————–>
    Theo như đây thì:

    – Có vẻ như con Chim giả thuyết, các nhà sư thời Lý Trần theo một dòng tu.
    – Phần nào trả lời cho thắc mắc của dongylam, tu thành chính quả thì cái đạt được là tâm phật, pháp tính, chân tâm gì đó, không phải là “linh hồn” lên cõi niết bàn…

    Like

    • Thanksss for info bổ ích…, túm lại là thế này nhỉ:
      – MG là người VN, theo PG Đại Thừa, Thiền cho nên tin vào sự tồn tại của “Phật tính”, “tự tính”, “bản tâm”, “chân tâm”… (Buddha nature) => ai cũng tu dc thành Phật, rất positive và optimist => nhiều tín đồ 😀
      – Trong khi đó, Phật giáo tiểu thừa thì ko nhắc gì tới Phật tính này 😀 (vì nó dường như ko thỏa đáng với các khái niệm vô ngã vô thường?)

      Cách hiểu trên cmmt của e là do e chưa đọc về Đại thừa và Thiền, khinh suất 😀

      Like

Leave a comment