Luận ngữ. Thiên 1: Học nhi. Chương 1.1

Luận ngữ là một trong Tứ thư (trong Tứ thư Ngũ kinh của Nho giáo). Tứ thư bao gồm: Đại học, Luận ngữ, Mạnh tử, Trung dung.

Đáng ra phải đưa Đại học lên trước, nhưng mắc cái bệnh lười, đọc rồi không muốn giở lại.

Từ giờ, vì công cuộc học tập bán nghiêm túc, và để hệ thống hóa kiến thức, ta sẽ lần lượt giới thiệu 20  thiên, 492 chương Luận ngữ, để xem bao giờ mới học xong quyển sách này?

Về cơ bản, là ta dịch lại một quyển Luận ngữ tiếng Trung lấy được trên mạng từ lâu lắm rồi, mà ta thấy chú thích rõ ràng, tập hợp nhiều cách giải nghĩa khác nhau. Rất đáng tiếc, quyển này không đề tên người chú thích/giải nghĩa hay nhà xuất bản gì hết, rất đi ngược lại với truyền thống nghiên cứu khoa học phương Tây. Ta cố gắng search trên mạng, thì thấy nội dung trong quyển này có vẻ phổ biến, chép ở một số trang web và blog, nhưng cũng vẫn chưa tìm ra được quyển này tên là gì, luận ngữ, luận ngữ toàn tập, luận ngữ toàn văn, luận ngữ tập chú, luận ngữ chú giải, hay gì khác? (con chim có tìm được thì xin chân thành cảm ơn). Trước mắt, ta đành nhắm mắt cho qua.

Quan trọng, do truyền thống kiến tạo của nhà này, nên sẽ dịch lại chú giải, giải thích, bình luận của tiền nhân, tiền bối để tham khảo, nhưng khuyến khích mỗi người có một cách nhìn, một cách giải thích và bình luận khác nhau. Nếu chủ nhà này viết bình luận, hay đặt câu hỏi, nhớ viết vào luôn phần cuối trong bài, theo mẫu [Bình luận của Dật Ly] la la…

Mục tiêu là sau khi đọc xong quyển này, viết được 1 bài book review? 😛

Chú thích 1: 492 chương thực ra là 492 câu, 😛 không thì đau hết cả tim. Tuy nhiên cũng không vội mừng, mỗi câu chú giải, giải thích lên đến vài trang sách.

Chú thích 2: Các thiên đều lấy 2 3 chữ đầu của chương đầu làm tên, về cơ bản không có nghĩa gì, không đại diện cho nội dung của thiên.

Thiên 1 – Học nhi (bao gồm 16 chương)

1.1. 子曰:“学而时习之,不亦说 乎?有朋自远方来,不亦乐乎?人不知而不愠,不亦君子乎?”

Zǐ yuē: xué ér shí xí zhī, bù yì yuè hū。 Yǒu péng zì yuǎn fāng lái, bú yì lè hū。 Rén bù zhī ér bú yùn,bú yì jūn zǐ hū。

Tử (1) viết: Học nhi thời (2) tập (3) chi, bất diệc duyệt (4) hồ? Hữu bằng (5) từ viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Nhân bất tri (6), nhi bất uấn (7), bất diệc quân tử (8) hồ?

[Dịch câu – Dương Bá Tuấn]
Khổng Tử nói: học rồi lại tùy thời thực tập, không phải là rất vui thích sao? Có người đồng chí hướng, hợp đạo từ xa tới (gặp), không phải là rất vui mừng sao? Người khác không hiểu ta, ta cũng không oán hận, không phải là quân tử sao?

[Chú thích – Dương Bá Tuấn]

  1. 子 – Zǐ – tử: “Tử” trong “Tử viết” đều là chỉ lời của Khổng tử.
  2. 时- shí – thời: trong thời Chu- Tần, “thời” được dùng làm phó từ (trạng từ), giống như 以時 – “dĩ thời” trong câu “Phủ cân dĩ thời nhập sơn lâm” (Mạnh tử. Lương Huệ Vương thượng), mang nghĩa là “tại một thời gian nhất định,” hoặc “tại một thời gian thích đáng.” “Luận ngữ chú” của Vương Túc chính là đã giải thích như thế này. Nhưng trong “Luận ngữ tập chú” của Chu Hi giải thích “thời” là “thời thường” (tức là thường xuyên), là dùng ý nghĩa từ ngữ của thời sau giải thích cho sách cổ. (Ở đây cần có chú giải của chú giải. Vương Túc là học giả thời Tam quốc, nên sách Luận ngữ chú ra đời trước sách của Chu Hi rất nhiều đời).
  3. 习- xí – tập: mọi người thường hay giải thích “tập” là “ôn tập,” nhưng trong các sách cổ đại, từ này còn có ý nghĩa là thực tập, diễn tập [tác giả dẫn ra 1 số ví dụ, ở đây không dịch lại]. Chữ “tập” ở đây càng có nghĩa là diễn tập. Các bài giảng của Khổng tử, đều có liên hệ mật thiết với sinh hoạt xã hội và sinh hoạt chính trị đương thời. Như các loại lễ (bao gồm các loại nghi tiết), nhạc (âm nhạc), xạ (xạ tiễn), ngự (đánh xe), không diễn tập, thực tập là không được. Vì vậy “tập” ở đây giải thích là “thực tập” mới đúng.
  4. 说- yuè – duyệt: vui mừng, vui lòng.
  5. 有朋 – hữu bằng: có bản sách cổ viết là 友朋. Chú thích xưa viết: 同门曰朋 – Đồng môn viết bằng (đồng môn gọi là bằng). Tống Tường Phượng trong “Phác học trai trát kí” nói chữ “bằng” ở đây là chỉ “đệ tử”, là từ câu trong “Sử ký. Khổng tử thế gia”: “Khổng tử không làm quan, lui về tu “thi”, “thư”, lễ nhạc, đệ tử đông khắp, cho đến tận nơi xa” (cố Khổng tử bất sĩ, thoái nhi tu thi, thư, lễ nhạc, đệ tử di chúng, chí tự viễn phương). Thích văn dùng “người chí đồng đạo hợp” (đồng chí đồng đạo) là từ ý tứ này?.
  6. 人不知 – nhân bất tri: người (khác) không biết; câu này, sau “tri” không có tân ngữ, người khác không biết cái gì? Lúc bấy giờ do ở trong hoàn cảnh nói chuyện thực tế, không cần nói rõ vẫn có thể hiểu, do đó không nói ra. Nhưng việc này lại để lại một câu đố cho hậu nhân. Có người nói, câu này là tiếp theo câu ở phía trước, bạn từ phương xa đến gặp ta cầu học, ta nói cho họ, họ vẫn không hiểu, ta không vì thế mà oán hận, Theo cách này, “nhân bất tri” là “họ không hiểu những gì ta nói.” Thuyết này e là khiên cưỡng, vì vậy vẫn theo cách giải thích thông thường. Câu này có cùng tinh thần với câu trong thiên “Hiến vấn”: 君子病无能焉,不病人之不己知也 – quân tử bệnh vô năng yên, bất bệnh nhân chi bất kỉ tri dã – người quân tử buồn vì mình không có năng lực, chứ không buồn vì người ta không biết tới mình.
  7. 愠 – yùn – uấn: giận, oán hận.
  8. 君子- jūn zǐ – quân tử: trong Luận ngữ, có lúc quân tử chỉ người có đức, có lúc chỉ người có vị trí. Trong câu này chỉ người có đức.

[Phân tích bình luận – không rõ của ai]
Học giả Chu Hi thời Tống đánh giá chương này rất cao, cho đây là: 入道之门, 积德之基 – nhập đạo chi môn, tích đức chi cơ (cửa để nhập đạo, cơ bản/ nền tảng của việc tích đức). Ba câu của chương này vô cùng quen thuộc. Cho đến nay, thường được giải nghĩa như ở trên. Ba câu, mỗi câu một ý nghĩa, câu trước câu sau không liên hệ với nhau. Nhưng cũng có người cho rằng, giải thích như vậy không phù hợp nghĩa gốc, chỉ ra rằng “học” ở đây không phải là học tập, mà học thuyết hoặc là chủ trương; “thời” không thể giải thích là thời thường/ thường xuyên, mà mang ý nghĩa là thời đại hoặc xã hội; tập không phải là ôn tập, mà là sử dụng, mở rộng nghĩa ra là thực thi, áp dụng. Do đó, ba câu này không phải là đứng độc lập với nhau, mà là trước sau có liên quan đến nhau, ý nghĩa là: học thuyết của ta, nếu được xã hội đem ra áp dụng, như thế không phải là vui thích sao; lùi một bước, nói: nếu không được xã hội sử dụng, nhưng có rất nhiều bạn bè tán đồng (học thuyết của ta), liên tục đến chỗ ta thảo luận, ta cũng cảm thấy rất vui mừng; lại lùi một bước nữa: kể cả xã hội không sử dụng, mọi người cũng không hiểu ta, ta cũng không oán hận, được như vậy, không phải là quân tử sao? (xem Tề Lỗ Học san 1986, tập 6). Cách giải thích này có thể ‘tự viên kỳ thuyết’, hơn nữa cũng có đạo lý nhất định, ở đây là cung cấp thêm một cách giải thích để tham khảo. (tự viên kỳ thuyết: 自圆其说 – zì yuán qí shuō, viên ở đây là viên mãn, chu toàn, chỉ người nói có khả năng đưa ra luận điểm hoặc lời nói hoang đường của mình mà không có lỗ hổng, tự hoàn chỉnh lập luận của mình, giải thích tiếng Anh là to make one’s statement consistent; to justify oneself).

Ngoài ra, câu “nhân bất tri, nhi bất uấn,” cũng có người cho rằng, sau “nhân bất tri” không có tân ngữ (object), vậy người khác không hiểu cái gì? Do Khổng tử nói câu này trong bối cảnh cụ thể, không cần nói ra là không hiểu cái gì, người nghe lúc đó đều hiểu, tuy nhiên lại để lại cho hậu thế một câu đố. Có người nói, câu này là tiếp theo câu phía trước, có bạn ở phương xa tới gặp ta cầu giáo, ta nói cho họ, họ vẫn không hiểu, ta không vì thế mà oán hận. Theo cách hiểu này, “nhân bất tri” có nghĩa là “người ta không hiểu những lời giảng giải của ta.” Cách giải thích này có vẻ hơi khiên cưỡng.
Tóm lại, chương này lấy học tập làm việc vui, đạt được “nhân bất tri nhi bất uấn,” phản ảnh chủ trương “học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện,” chú trọng tu dưỡng, nghiêm khắc yêu cầu đối với bản thân của Khổng tử. Tư tưởng chủ trương này sẽ xuất hiện nhiều lần trong Luận ngữ, giúp giải thích thêm cho chương 1. (học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện -学而不厌,诲人不倦 – xué ér bù yàn, huì rén bù juàn: là câu (chương) khác trong Luận ngữ, có nghĩa: học không mệt mỏi, dạy người không biết chán, tiếng Anh: study tirelessly, teach with endless enthusiasm).

Si

About Hoasinh Anhca
Trì Trung Hoa sinh hưởng lạc - Chi Thượng Anh ca mạn đề

9 Responses to Luận ngữ. Thiên 1: Học nhi. Chương 1.1

  1. strongerle says:

    cảm ơn bạn. Câu này đúng là rất quen, trước chỉ biết đúng 1 nghĩa, nhờ có chú giải mới biết thêm được những cái nhìn mới, hóa ra không phải chỉ vì khác biệt ngôn ngữ nên không hiểu rõ

    Like

    • si says:

      Chắc còn nhiều cách hiểu và lập luận khác nữa, đặc biệt là của các học giả Nho giáo gần đây. Ta chưa tìm hiểu được. Đọc để biết trước đã, còn hiểu sâu thì để sau vậy. Cảm ơn nàng ghé thăm. Cheers

      Like

  2. hì hì, em sẽ cố gắng học thuộc dần dần. Đến khi c up hết có khi e thuộc cả cuốn 😀

    Liked by 1 person

  3. Icon gì xấu thế hix hix 😥 😛 >_<

    Like

  4. Pingback: Luận ngữ. Thiên 1: Học nhi. Chương 1.15 | Hoasinh_Anhca

  5. Pingback: Luận ngữ. Thiên 1: Học nhi. Chương 1.16 | Hoasinh_Anhca

  6. Pingback: Luận ngữ. Thiên 1: Học nhi | Hoasinh_Anhca

  7. Pingback: Luận ngữ. Thiên 2: Vi chính. Chương 2.4 | Hoasinh_Anhca

Leave a comment