Luận ngữ. Thiên 2: Vi chính. Chương 2.1

Thiên 2: Vi Chính

Thiên Vi chính bao gồm 24 chương. Thông thường các học giả có lời mở đầu, giới thiệu nội dung chủ đạo của thiên là gì. Nhưng xét thấy điều này có thể ảnh hưởng đến hướng suy nghĩ của người đọc về thiên, cho nên ta thấy tốt nhất là đọc nội dung trước, rồi mỗi người tự tổng kết sau. Một ví dụ, nếu đọc lời bình của Nam Hoài Cẩn ở dưới, sẽ thấy lập luận của tác giả này về ý nghĩa của “vi chính” khác với cách hiểu thông thường rằng vi chính là về tư tưởng chính trị của Khổng tử.

Chú thích thêm là cụ Nam Hoài Cẩn hay tán lan man, nhưng lại cung cấp nhiều kiến thức có giá trị. Ví dụ, giải thích về ý nghĩa của chữ “đức,” cụ Tiền Mục bê nguyên chú thích của Chu Hy vào, không giải thích gì thêm, vô cùng khó hiểu (mà cụ vốn luôn khó hiểu). Phải thông qua giải thích của cụ Nam Hoài Cẩn, mới hiểu định nghĩa về “đức” của người xưa. 

2.1子曰:“为政以德,譬如北辰,居其所而众星共之。”

Zǐ yuē: wéi zhèng yǐ dé, pì rú běi chén, jū qí suǒ ér zhòng xīng gòng zhī.

Tử viết: Vi chính dĩ đức (1), thí như bắc thần (2), cư kì sở (3) nhi chúng tinh củng (4) chi.

[Chú thích – Dương Bá Tuấn]

  1. 为政以德 – wéi zhèng yǐ dé – vi chính dĩ đức: dĩ, ý nghĩa là dùng, sử dụng. Câu này là nói bậc thống trị nên dùng đạo đức tiến hành thống trị, tức là “đức trị.”
  2. 北辰 – běi chén – bắc thần: sao Bắc cực.
  3. 所 – suǒ – sở: xứ sở, vị trí.
  4. 共 – gòng – củng: giống như 拱 (gǒng: vây quanh, vòng quanh), ý là vây quanh, bao quanh.

[Diễn giải câu – Dương Bá Tuấn]

Khổng tử nói: “(Vua nhà Chu) dùng đạo đức giáo hóa để trị lý (cai trị, xử lý) chính sự, giống như sao Bắc thần vậy, bản thân ở tại một phương vị cố định, mà các sao khác đều vây xung quanh mà chuyển động.”

[Bình luận – Chưa rõ là ai]

Câu này đại biểu cho tư tưởng “vi chính dĩ đức” của Khổng tử, ý nghĩa là nói, bậc thống trị nếu như thực hành đức chính, quần thần bách tính sẽ tự động vây xung quanh. Đây là cường điệu tác dụng có ý nghĩa quyết định của đạo đức đối với đời sống chính trị, chủ trương lấy đạo đức giáo hóa làm nguyên tắc trị quốc. Đây là phần khá có giá trị trong học thuyết của Khổng tử, thể hiện rõ nguyên tắc cơ bản của trị quốc của Nho gia là đức trị, chứ không phải là hình pháp nghiêm khắc.

[Bình luận – Tiền Mục]

为政以德 – Vi chính dĩ đức: đức, (là) đắc (được ) vậy (i). Hành đạo mà có [sự] đắc [đạo] tại tâm, thứ đạt được, cũng như thứ vốn đã có, cho nên là tính (bản chất/bản tính-nd) ‘đức.’(ii). Người làm việc trị lý lấy tính“đức” của bản thân mình làm gốc, cho nên gọi là dùng người trị người.

Bắc thần: sao Bắc Cực, người xưa cho là ở trung tâm của trời.

众星共之 – chúng tinh củng chi: vây xung quanh sao Bắc Cực mà xoay chuyển vận hành. Đối với bậc lãnh tụ chính trị, có thể dùng đạo đức của bản thân để lãnh đạo, thì người bên dưới sẽ tôn kính tin tưởng trông cậy vào, giống như các ngôi sao vây quanh hướng về Bắc thần, thuận theo Bắc thần mà xoay chuyển.

Khổng môn bàn luận về việc học, coi trọng nhất là nhân đạo (đạo của con người, đạo làm người-nd). Chính trị là một việc lớn trong nhân đạo. Con người vì có nhóm, bầy mà tương sinh tương dưỡng tương an (sinh sống, nuôi dưỡng, ổn định với nhau), do đó người biên tập Luận ngữ để thiên Vi chính sau thiên Học nhi. Khổng môn bàn về chính trị, chủ trương “đức hóa” (dùng đức để cảm hóa – nd), vì chính trị cũng là một phương diện của sinh hoạt con người, sinh hoạt con người gốc tại nhân tâm. Người có đức, tâm chân thực nhất, có thể nương tựa được nhất, mà lại cũng không thể che lấp đi. Cho nên tuy ở trong tâm, nhưng trên thực tế lại là thứ quan trọng nhất của đời sống con người. Làm chính trị cũng không ngoại lệ. Đây cũng là ý nghĩa sâu rộng nhất của việc luận học của Khổng môn, cho đến tận ngày nay.

Các chú thích cũ của chương này, thường lấy “vô vi” để giải thích cho chữ “đức.” Kỳ thực tính “đức” của người có đức, cũng là phẩm hạnh “đức” của con người. Khổng từ là nói với lãnh tụ chính trị, chủ yếu từ tính “đức” của họ, từ phẩm “đức” của bản thân họ, mà chủ động cho mọi việc lãnh đạo. Như chương trước nói về “đạo thiên thặng chi quốc,” cũng là ‘vi chính dĩ đức.’ Duy chỉ có đức mới có thể cảm hóa hiệu triệu, thi hành, không phải là vô vi. Như là lời so sánh ở phía sau. Bắc thần chuyển động trong một chỗ vô cùng nhỏ, sự chuyển động này không thể thấy. Ở tại vị trí đó, như nói không rời khỏi chỗ, tự làm việc của mình, không phải là “vô sở vi” – cái gì cũng không làm. “Mạnh tử” nói “chí thành động vật” – vô cùng chân thành có thể lay động được ngoại vật, “Đại học” lấy tu thân làm căn bản, đều cùng chương này mà dẫn đến nhau.

Câu này có thể diễn giải thành như sau: Làm việc trị lý lấy đức làm chủ, ví dụ như Bắc thần ở trên trời, ở yên tại chỗ của mình, các sao khác vây quanh, hướng về phía đó mà xoay chuyển.

(i) Nguyên văn chú thích của Chu Hi: 德者得也- Đức giả, đắc dã – đức, là được vậy.

(ii) Chú ý là chữ “tính” trong cách hiểu của Nho gia ngày xưa khác với “tính” trong tính cách mà chúng ta hiểu ngày nay. Đại khái là, tính như trong “nhân chi sơ, tính bản thiện,” là chỉ bản chất “thiện,” “đức” của con người.

 [Bình luận – Nam Hoài Cẩn]

Thiên một Học nhi là giảng về một người qua học vấn để tu dưỡng ở bên trong, tiếp theo thiên hai Vi chính là giảng về việc sử dụng học vấn ở bên ngoài.

Nhưng nói đến Vi chính, có một điểm cần chú ý: chúng ta thường phát hiện trong một số trước tác, rất nhiều người cho rằng ‘Vi chính’ là “tư tưởng chính trị” của Khổng tử, hoặc dùng ngôn ngữ hiện đại để nói, gọi là “triết học chính trị.” Theo kết quả nghiên cứu của tôi, cho rằng cách lý giải này không đúng. Khổng tử rất ít khi đề cập đến một quan niệm “chính trị” hoàn chỉnh, Khổng tử chỉ nói “vi chính,” điểm này chúng ta cần đặc biệt chú ý. Đứng tại lập trường học thuật, thái độ cần phi thường nghiêm túc cẩn thận. Chúng ta thường nói một câu: ‘trước pháp luật, mọi người bình đẳng, cần phục tùng chân lý.’ Lập trường của việc học vấn, thì là ‘trước học thuật, thái độ cần phi thường nghiêm túc cẩn thận, phục tùng chân lý.’ Khổng tử chỉ nói về “vi chính,” không bàn về chính trị; “chính trị” như quốc phụ (người cha của dân tộc, ở đây là chỉ Tôn Trung Sơn – nd) từng nói, là “việc quản lý chúng nhân.” “Vi chính” mà Khổng tử nói đến là giáo hóa, giáo hóa là một danh từ của văn hóa Trung Quốc, không nên xem thành như giáo dục. Giáo là giáo dục, hóa là cảm hóa, nhưng trong quá khứ cũng không gọi là cảm hóa, mà gọi là phong hóa. Ý nghĩa của Vi chính bao gồm giáo hóa. Trọng điểm này chúng ta cần phải nắm vững. Do đó thiên hai Vi chính, cũng là nói về đạo lý dùng học vấn ở bên ngoài.

Phong phạm của đại chính trị gia

Tử viết: Vi chính dĩ đức, thí như bắc thần, cư kì sở nhi chúng tinh củng chi.

[…] Mấy câu này, ở bên ngoài, vô cùng dễ hiểu. Khổng tử đề ra rằng, vi chính, trọng yếu nhất là “đức.” Nói đến đây, chúng ta cần chú ý, thời đại Xuân thu Chiến quốc, hai chữ “đạo đức,” rất ít khi được dùng kết hợp với nhau, tại thời gian đó, đạo là đạo, đức là đức. Sau Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều, tới thời Đường, Tống, mới đem hai chữ này kết hợp lại, biến thành một danh từ “đạo đức”; hiện tại khi người trẻ tuổi nhắc đến đạo đức, đều cho đây là một danh từ đáng ghét. Đây là một diễn biến của văn hóa tư tưởng. Do đó chúng ta cần biết, trước thời Tần, Hán, đức là đức; mà “đạo” và “thiên,” vào lúc đó có thể nói là phiền phức nhất, là hai chữ khó giải thích nhất, giống như nhau có ý nghĩa vô cùng. Có lúc chữ “đạo,” là đại diện của bản thể hình nhi thượng, có lúc là đạo của đạo lộ (đường đi), có lúc ý nghĩa là quy tắc, giống như trong “Tôn tử binh pháp”: “Binh giả quỷ đạo dã,” đạo này ý nghĩa chính là quy tắc; có lúc lại là đại biểu của đạo đức. Chữ “thiên” cũng như vậy, bao hàm hơn bốn năm ý nghĩa. Trong cùng một quyển sách, thậm chí trong cùng một câu, chữ đạo ở trước và ở sau, ý nghĩa đã bất đồng. Đây như là một căn bệnh của văn hóa Trung Quốc, kỳ thực cũng là một điểm mạnh, đặc biệt trong thời cổ đại khi kỹ thuật ấn loát chưa được phát minh, 1 quan niệm dùng 1 chữ để đại biểu, dùng dao khắc trên thẻ trúc, vào thời đó đã đủ để biểu đạt hoàn toàn.

Lại nói đến ý nghĩa của chữ “đức” này, chữ “đức” trong quá khứ biểu thị thành quả và tác dụng của hành vi tốt. Người thời cổ đại giải thích “德者得也” – đức giả đắc dã – đức, có nghĩa là được. Do đó chúng ta hiểu lời Khổng tử giảng về “vi chính dĩ đức,” là thành quả của hành vi tốt, cùng với “đạo đức” mà hậu thế nói không khác biệt lớn lắm. Nếu như không nghiên cứu sâu, thông thường trong trường đại học, sẽ nói với học sinh, ‘đức’ ở đây chính là ‘đạo đức,’ vì học sinh chưa đạt đến trình độ tương đối, thầy cô giáo cũng không có cách nào đem nhiều những thứ đồ cổ giảng giải tỉ mỉ kỹ càng được. Khổng tử tại sao lại đề ra chữ “đức” này, đây là vấn đề đầu tiên.

Sao trên trời biết có bao nhiêu

Vấn đề thứ hai nói đến “Bắc thần.” Văn hóa Trung Quốc phát triển sớm nhất là thiên văn. Trong quá khứ chúng ta chúng ta đem thiên thể (bầu trời) chia thành “nhị thập bát tú” – hai mươi tám “tú” và ba “viên” – ba chòm sao: tử vi, thiếu vi, thái vi, giống như chúng ta ngày nay nói về kinh vĩ độ của thiên văn. Kinh vĩ độ là phương pháp phân chia của phương Tây. Từng có nhà thiên văn học chủ trương, chúng ta tự tính toán lại, không theo cách tính số độ của phương Tây, như thời gian Greenwich là người Anh tính ra, với chúng ta không liên can. Chúng ta tại sao không nói về thời gian ở trung nguyên của bản thân, hoặc lấy Đài Loan làm trung tâm, lấy kinh vĩ độ tính lại? Nhưng thực ra, trong quá khứ chúng ta đã từng tính toán phân chia rồi. Thiên thể (bầu trời) phân chia thành tam viên, nhị thập bát tú, chính là đem phạm vi của tinh tọa (vị trí sao/ chùm sao), tính toán phân chia thành hai mươi tám phần. Tại sao gọi là宿- “tú”? Đây là chỉ mỗi ngày thời gian mặt trời từ phương Tây lặn xuống, trên bầu trời phương Đông có một tinh tọa xuất hiện, tinh tọa này là “tú.” Tinh tọa này xuất hiện, mỗi tháng không giống nhau, mỗi nửa tháng không giống nhau, mỗi tuần không giống nhau, do đó phân thành hai mươi tám tú, lại phân thành mười hai thần (giờ), tạo thành quan hệ thời gian và thiên thể. Trong quá khứ phát hiện bắc đẩu thất tinh, chính là chòm sao đại hùng tinh tiểu hùng tinh mà hiện tại người phương Tây nói đến. Trong mùa hè chúng ta có thể thấy một dải ngân hà, ở phía bắc của ngân hà, bảy ngôi sao sáng nhất là (chùm) sao Bắc Đẩu, bảy ngôi sao này liên kết với nhau, giống như gáo múc nước, thời xưa gọi là “đẩu.” Thiên văn học hiện đại, cũng không khác so với nguyên tắc của tổ tiên chúng ta. Cả một bầu trời bao nhiêu ngôi sao, đều lấy sao bắc cực làm trung tâm, các sao khác vây quanh sao bắc cực, mỗi lần đến buổi tối, cán đẩu phía trước của bắc đẩu thất tinh, nhất định có hai ngôi sao sáng nhất, gọi là Chiêu Diêu nhị tinh, ánh sáng lấp lánh nhất, rất dễ nhìn thấy. Mùa xuân Bắc Đẩu tinh nhất định chỉ về cung Dần ở phía Đông. Ngày xưa làm Đại tướng, cần trên thông thiên văn, dưới thông địa lý, giữa thông nhân sự, không gì không biết, mới có thể cầm quân. Do đó trong quân sự thiên văn vô cùng quan trọng, lấy việc hành quân mà nói, ví dụ như trong đêm mà không phân biệt được phương hướng, liền quan sát tinh đẩu, không cần dùng máy móc, mà có thể phân biệt được phương hướng. Nước ta trước kia loại văn hóa này rất phổ biến, hiện tại đối với “thiên văn học” vốn có, chúng ta lại chẳng biết một chút gì. Đối với kiến thức này do tổ tiên truyền lại, chúng ta không thể không chú ý, cần phải xem lại.

Một năm bốn mùa, trên trời tinh tọa di động, giống như nghe chỉ huy của Bắc Đẩu tinh, theo hướng Bắc Đẩu tinh, vây quanh Bắc Đẩu tinh mà chuyển động. Không những một năm bốn mùa, mỗi tháng phương hướng Bắc Đẩu tinh chỉ đều không giống nhau, cả bầu trời theo đó mà vận chuyển. Mỗi ngày mười hai thời thần (canh giờ), phương hướng của Bắc Đẩu tinh cũng lại biến động, do đó đây là một loại biến động cố định hàng nghìn triệu năm, không thể rối loạn, trên thực tế cũng quyết không rối loạn.

Đối với “Bắc thần” chúng ta hiểu, vậy câu này của Khổng tử ý là gì? Chính là nói “vi chính dĩ đức,” trong tâm có đạo, hành vi biểu hiện bên ngoài sẽ ‘vô giải khả kích’ – không có chỗ trễ nải nào có thể công kích được (i). Ví dụ như Bắc thần, có tư tưởng trung tâm, tác phong trung tâm, dùng cảm hóa của đạo đức, ở đó bản thân không cần phải động, chỉ cần phát hiệu lệnh, người ở dưới liền như vô số tinh tọa khắp bầu trời, đều hướng về phía đó mà vận động.

Lưu Bị mắc lừa Tào Tháo

Trong tư tưởng quân sự, mọi người đều biết hai câu “vạn chúng nhất tâm” – vạn người một lòng (ii) cho đến “vận dụng chi diệu, tồn hồ nhất tâm” – sự tinh diệu của việc vận dụng, là ở trong tim (iii). Mọi người đối với hai câu này mỗi người lại có một kiến giải khác nhau. Có người giải thích thành ‘thiên vạn hùng sư thiên vạn tâm’ – nghìn vạn hùng quân nghìn vạn tâm, như thế không tốt lắm, chủ soái giỏi nhất trong tình hình này cũng không có biện pháp, đây là vấn đề tư tưởng, tư tưởng nhất định cần tập trung.

“Vận dụng chi diệu, tồn hồ nhất tâm,” là Nhạc Phi đề ra. Hiện tại chúng ta nếu như giải thích thành sự linh hoạt trong tâm kế của chủ soái, cái gọi là “sơn nhân tự hữu diệu kế” – ẩn sĩ tự có kế sách tinh diệu của mình, như thế là vô cùng hỏng. Chúng tôi nghiên cứu, “nhất tâm” trong câu “tồn hồ nhất tâm” này, ý nghĩa là “vạn chúng nhất tâm” có vẻ thích đáng nhất. Như vậy “cư kì sở nhi chúng tinh củng chi” chính là đạo lý này.

Tiếp đến, chúng ta biết rằng, tư tưởng hai nhà Nho Đạo, trước thời Tần Hán không phân chia. Mọi người đều biết, tư tưởng Lão Trang của Đạo gia nói “无为而治” – “vô vi nhi trị” (iv), có một số người nói về tư tưởng “vô vi nhi trị” của Đạo gia, đều giải thích thành người làm lãnh đạo ở phía trên, cái gì cũng không quản, chính là “vô vi nhi trị.” Đây là hiểu sai hoàn toàn, Đạo gia không có thuyết pháp như thế, mà là “vô vi vô bất vi.” Cái gọi là “vô vi nhi trị” là kiểm soát lúc sự việc chưa có dấu hiện phát sinh, sau xem ra như là không có việc gì. Ví dụ nói, một người lãnh đạo, một người chủ trì, đối với bất kỳ một phương pháp nào, khi bắt đầu trước hết cần biết rõ các tai hại về sau này của nó, vấn đề xuất hiện ở đâu, trước hết tìm ra nguyên nhân của nó, khai thông vấn đề, sẽ không xuất hiện vấn đề nữa, sau đó mới có thể “无为而无所不为” – vô vi nhi vô sở bất vi – không làm gì nhưng không gì là không làm.

Nói đến đây, nói một chuyện cười, năm đó trong thời kỳ kháng chiến, có một người bạn ở một cơ quan hành chính đốc sát chuyên viên làm phó tư lệnh bảo an, anh ta gần như ngày nào cũng ở bên ngoài diệt phỉ, tôi hỏi anh ta: “chỗ của các anh lấy đâu ra lắm thổ phỉ thế?” Anh ta trách tôi cả một ngày là không quan tâm đến đại sự thiên hạ, đến quạt lông ngỗng cũng không cầm, không thể làm quân sư. Tôi hỏi lời này ý là gì. Anh ta nói: ‘Nếu như diệt hết thổ phỉ, chúng tôi sẽ như thế nào?’ Tôi nói các anh hóa ra là giữ như thế này. Anh ta nói: “Không phải là chúng tôi cần giữ như thế này, mà là huyện bên cạnh cần giữ như thế này, đem thổ phỉ đuổi tới đuổi lui, số lần diệt trừ nhiều, công lao nhiều, họ cần giữ như thế này, chúng tôi còn biện pháp nào khác?” cũng có người nói Lưu Bị là do Tào Tháo bồi dưỡng ra, giả dụ Tào Tháo không bồi dưỡng ra Lưu Bị này, thì không thể kiềm chế thiên tử để ra lệnh cho chư hầu được.

Việc thiên hạ nguyên là như vậy. Hiện tại nói về câu chuyện xấu như thế này, để giải thích một đạo lý – loại vô vi nhi trị này, thực tại rất không đạo đức. Chúng ta từ tư tưởng chính trị trong chính trị học, quân sự học, đều có thể thấy được, cái gọi là “làm đại tướng không có chiến công hiển hách,” ý nghĩa của câu này trong tư tưởng quân sự, là thứ gọi là “quân không đánh mà khuất phục được người.” Chỉ cần có đại tướng ở đó, quân địch liền sợ, không dám động, chiến tranh không đánh được. Điều này đương nhiên là tuyệt vời. Giả dụ là một người bình thường có chiến công hiển hách, lại là một việc khác. Thứ gọi là đạo lý vô vi, điểm trọng yếu đại loại cũng ở chỗ này, Khổng tử giảng về chính trị đạo đức, cũng là đạo lý này.

Tại sao Khổng tử luôn đề cập đến những thứ như thế này? Người xưa đối với phương pháp nghiên cứu lịch sử Trung Quốc, có một câu gọi là “经史合参” – kinh sử hợp tham. Cái gì gọi là “kinh”? Chính là thường đạo, chính là các nguyên tắc lớn, vĩnh hằng bất biến, ở bất kỳ thời đại nào, bất kỳ địa phương nào, nguyên tắc này sẽ không biến động. Nhưng không phải là chúng ta có khả năng quy định nó không được phép biến động, mà là nó bản thân tất nhiên đã là như vậy, do đó mới được gọi là “kinh.” Mà “sử” là ghi lại biến động thời đại, biến thiên xã hội theo nguyên tắc này. Chúng ta nếu muốn hiểu được kinh, tất phải hiểu được sử. Đem mỗi thời đại lịch sử, mỗi xã hội ra phối hợp. Nghiên cứu kinh sử như thế này, mới có ý nghĩa. Ví dụ Khổng tử nói “vi chính dĩ đức,” nhìn biểu hiện bên ngoài, giống như một thứ giáo điều cứng nhắc. Kỳ thực không phải như vậy. Chúng ta học lịch sử liền biết, thời đại Khổng tử sinh ra, hậu thế chúng ta gọi là “thời đại Xuân Thu,” chính là thời đại giữa Tây Chu và Đông Chu, Khổng tử viết một cuốn sách gọi là “Xuân Thu,” về sau “Xuân Thu” trở thành danh từ chỉ thời đại lịch sử. Trong khoảng thời gian của Khổng tử, có người viết lịch sử, đều gọi là “Xuân Thu.” Trong văn hóa Trung Quốc tại sao lại gọi lịch sử là “Xuân Thu” mà không gọi là “Đông Hạ”? Theo lý lạnh là lạnh, nóng là nóng, gọi là “Đông Hạ” cũng không có gì là không được. Có người nói do câu đầu tiên của sách Xuân Thu “春王正月”- “Xuân vương chính nguyệt” – thời sau đem “Xuân vương chính nguyệt” đọc thành một câu, là đọc sai. Do đó chúng tôi nhấn mạnh một lần nữa, đọc sách cổ cần chú ý, do thời xưa vẫn chưa có giấy viết, văn tự cần dùng dao khắc vào thanh trúc, rất khó khăn, do đó thường một chữ đại biểu cho một ý nghĩa phức tạp. Chữ “Xuân” là mùa xuân; “Vương” là chính phủ trung ương, là triều đình nhà Chu; “Chính Nguyệt” là tháng đầu tiên trong lịch thời tiết triều Chu; do đó mà thành “Xuân vương chính nguyệt” – đem điều này để giải thích nguyên nhân gọi lịch sử là Xuân Thu, đây là không đúng.

Vừa mới đề cập, văn hóa Trung quốc phát triển sớm nhất là khoa học, mà trong khoa học phát triển sớm nhất là thiên văn, nói đến lịch sử khoa học thế giới, thậm chí là khoa học, nhất định nghiên cứu thiên văn trước tiên. Muốn nói đến thiên văn, thiên văn Trung Quốc, từ ba nghìn năm trước đã phát triển. Tính trên toàn thế giới, là phát triển đầu tiên. Nói đến thiên văn tất yếu cần phải nói đến số học, mà số học Trung Quốc, từ sáu ngàn năm trước, cũng rất phát triển. Các phương diện này đợi tương lai khi có cơ hội bàn về “Dịch kinh,” sẽ nói đến.

Văn hóa Trung Quốc là từ thiên văn mà tới – chúng ta biết một năm bốn mùa khí hậu không đồng đều, mùa đông rất lạnh, mùa hạ rất nóng. Nói đến ngày đêm, vào mùa đông ban ngày rất ngắn, vào mùa hạ rất dài, đều không đồng đều. Chỉ có trong tháng hai mùa xuân và  tháng tám mùa thu, hai tiết khí “xuân phân,” “thu phân,” chính là tại kinh vĩ độ, mặt trời vừa mới đến thời khắc hoàng đạo, ngày trắng đêm đen dài bằng nhau, khí hậu không lạnh không nóng rất ôn hòa, do đó gọi lịch sử là Xuân Thu. Đây chính là nhà lịch sử học Trung Quốc nhận định rằng trong thời đại đó, xã hội, chính trị tốt hay không tốt, đặt tại một cán cân cân bằng như xuân phân thu phân mà phê bình phán định. Lấy quan niệm ngày nay mà nói, anh có đủ phân lượng không? Anh làm hoàng đế bao nhiêu năm? Có đối xử tốt với quốc gia không? Anh làm quan bao nhiêu năm? Có đối tốt với bách tính không? Đều thay mặt anh mà cân đo đánh giá. Lịch sử gọi là “Xuân Thu” chính là đạo lý này.

Từ gió bão hiểu nhân sinh

Chúng ta xem “Xuân Thu,” xem lịch sử thời Xuân Thu Chiến quốc, Khổng tử trong系传 –“Hệ truyện,” “Kinh Dịch” nói: “臣弑其君,子弑其父,非一朝一夕之故,其所由来者,渐矣” – “thần thí kì quân, tử thí kì phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố, kì sở do lai giả, tiệm hĩ” – Tôi giết vua, con giết cha, nguyên do không ở trong một sớm một chiều, điều đó dần dần mà đến. Nhưng Khổng tử cho rằng “phi nhất triêu nhất tịch chi cố” – không phải là hình thành nên trong một ngày. Trang tử của Đạo gia nói: “飓风起于萍末” – “cự phong khởi ư bình mạt”- gió lốc bắt đầu từ đầu cánh bèo, cự phong chính là từ địa phương Quảng Đông, Phúc Kiến để chỉ bão (台风 – đài phong), hiện tại người phương Tây dùng ngữ âm Trung Quốc dịch ra, cũng gọi là đài phong (typhoon). Chúng ta thấy bão có sức rất mãnh liệt, nhưng lúc bắt đầu từ mặt nước, chỉ thấy một lá bèo ở trên mặt nước, hơi động một chút, ngay sát mặt nước một cỗ khí lưu sinh ra, dần dần lớn lên, biến thành bão. Câu này của Đạo gia là nói, một người cũng thế, gia đình cũng thế, việc của xã hội, quốc gia, thiên hạ đều như thế, nếu như việc nhỏ không để ý đến, tất từ việc nhỏ này sẽ phát sinh ra vấn đề lớn. “Cự phong khởi ư bình mạt,” gió bão lớn xuất phát từ gió nhỏ nơi  đầu sóng (phong ba). Do đó Khổng tử trong Kinh dịch nói câu ở phía trên, thuyết minh mọi việc trong thiên hạ hình thành không phải ngẫu nhiên, gần như không có ngẫu nhiên. Bình thường nghe người ta nói “cơ hội này rất ngẫu nhiên,” trên thực tế không có việc nào ngẫu nhiên cả.

Theo đạo lý Kinh dịch của văn hóa Trung Quốc mà nói, mọi sự trong thiên hạ đều có nguyên nhân, có rất nhiều nhân tố. Ví dụ có người nhặt được một đồng tiền, “Thật ngẫu nhiên!” nhưng nếu phân tích kỹ, một chút cũng không ngẫu nhiên, nguyên nhân của việc này là gì? Do anh ta đi ra khỏi nhà, nếu như không có tiền nhân là anh ta đi ra khỏi nhà, sẽ không có hậu quả là nhặt được một đồng tiền. Hoặc nói, ngồi trong nhà đánh rơi một đồng tiền, đây có thể là ngẫu nhiên không? Nhưng do anh ta ngồi trong nhà, đồng tiền này rơi ra anh ta mới nhặt được. Giả dụ anh ta đi ra khỏi nhà không ngồi ở trong nhà, tiền rơi xuống, cũng không chắc là của anh ta, do đó ngồi trong nhà không ra ngoài, cũng là tiền nhân của việc nhặt được đồng tiền này. Vì vậy đây đều là nhân tố, “kì sở do lai giả, tiệm hĩ.” Đều là dần dần biến hóa mà sinh ra. “Kinh dịch” nói với chúng ta, việc trong thiên hạ, không có đột biến, chỉ có vào lúc trí tuệ của chúng ta không đủ, mới nhìn mỗi một sự việc là đột biến, kì thực sớm đã có một nguyên nhân tiềm phục tại đó.

Chúng ta hiểu mấy câu “Kinh dịch” này, Khổng tử viết “Xuân Thu,” chính là gặp đúng thời đại đó, Khổng tử do đó đặt nặng về giáo hóa, chính là trong ba bốn trăm năm này, phong khí xã hội loạn đến mức trầm trọng.  Chúng ta không ngại có thể dẫn lời vài người, có thể biết thời Xuân Thu loạn đến trình độ nào.

Tư Mã Quang nói: “Nay đại phu nước Tấn hãm hại vua, phân chia nước Tấn (chỉ Triệu, Ngụy, Hàn ba nước phân chia Tấn), thiên tử đã không thể trừng trị, lại dung túng, khiến cho các chư hầu, phân liệt nhỏ ra không thể giữ, mà đều bỏ cả, lễ của tiên vương, đã đến lúc tận vậy.”

Lại nói: “Thiên hạ lấy trí lực xưng hùng, theo việc dùng con cháu của thánh hiền thành bậc chư hầu, xã tắc không gì không tan tành, các loại dân, tan tác hết cả, há chẳng bi ai ư!”

[Lười dịch nên bỏ một đoạn]

Từ các ghi chép ở trên, chứng minh sự hỗn loạn xã hội thời Xuân thu Chiến quốc, biến loạn vô cùng trầm trọng. Đương thời, mọi người xem trọng tranh đấu quyền lợi, loạn trật tự xã hội, suy bại văn hóa, so sánh với một số tình hình xã hội của chúng ta ngày nay, có điểm gần tương đồng. Khổng tử đối diện với biến động hỗn loạn này, vô cùng phiền não, do đó Khổng tử nói vi chính, quyền lực chẳng hữu dụng gì, duy “đức”  mới được.

Thánh nhân cũng hợm mình chăng?

Nói đến “đức,” có một quan niệm thứ ba, chúng ta thấy lịch sử Trung Quốc, tư tưởng Nho gia tại sao tôn sùng Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ, Chu Công như vậy? Trước đây tôi có một người bạn, hơn tôi vài chục tuổi, là bạn vong niên, người Tứ Xuyên, tự xưng là “Giáo chủ Hậu Hắc” Lý Tông Ngô, người này người cùng thời đều biết. Bản thân con người ông đạo đức vô cùng tốt, nhưng lại thích cố ý mắng người, tôi khuyên ông  bớt mắng người ta một chút, đừng đề xướng Hậu Hắc học, tôi nói bản tính con người đều là như vậy, mặt dày tâm đen, nhưng vẫn dùng một tấm màn che để che đậy lại, tại sao nhất định phải vén ra? Ông nói: “Vén ra ư? Anh nhầm rồi, tôi là kéo ra tấm màn xấu xa, dậy người ta nhìn sự chân thực ở đằng sau.” Lý Tông Ngô đối với lịch sử vô cùng hoài nghi, ông nói không thánh nhân không đáng tin, tại sao chuyên tôn sùng Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ, Chu Công mấy người thành công này? Không thành công thì không phải thánh nhân ư? Do đó ông có một bài viết tên là “Hoài nghi thánh nhân.” Vị lão huynh này, chuyên viết văn chương tiêu cực, hỏi ông tại sao lại phải làm như thế?  Ông nói: “Lão đệ, anh không biết, tôi với Albert Einstein cùng tuổi, vị cùng tuổi đó đã phát minh ra thuyết tương đối nổi tiếng thiên hạ. Tôi thì sao? Làm một giáo chủ Hậu Hắc vẫn còn làm không tốt, do đó tôi không ngỗ nghịch một chút không được.” Con người này rất tuyệt diệu, lúc tôi biết ông, ông đã hơn sáu mươi tuổi, cả ngày không ăn cơm, suốt ngày uống rượu, uống rượu là no. Tinh thần, đạo đức đều rất tốt (iv).

Nói đến đây, lại quay lại nói chủ đề chính, Khổng tử tại sao lại đề cao Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ, Chu Công vân vân? Thứ nhất, có tư tưởng đạo đức,  không có thành quả của việc thực hành đức, chỉ có thể nói anh ta có đạo, không thấy được là có đức. Có tư tưởng đạo đức, lại có thành quả của việc làm đạo đức, đạo và đức phối hợp, mới gọi là “đạo đức.”

Trong lịch sử, Đạo gia, Nho gia đều đề cập cao Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ, Chu Công, là vì thời kỳ đó nói đến “vi chính,” chú ý đến chữ “đức,” đến Tần, Hán về sau, chỉ nói đến sự nghiệp công hạng, cái gọi là “tam vương chi trị tại đạo đức, ngũ bá chi chí tại sự công” – việc trị quốc của tam vương ở tại đạo đức, ý chí của ngũ bá ở tại sự nghiệp công hạng (v). Điểm bất đồng của bậc vương, bá là ở chỗ này, từ cấp này trở xuống, đến bá nghiệp cũng không nói đến được, đến sự nghiệp công hạng đều không có, chỉ có dùng thủ đoạn trộm gà cắp chó (vi) để ăn trộm một quốc gia mà thôi.

Mấy câu này tuy là đơn giản, giải thích ra, lại có  ý tứ vô cùng nhiều, chúng ta hiểu được toàn bộ, mới có thể hiểu được giá trị của nó.

(i) Vô giải khả kích – 无懈可击 – wú xiè kě jī (giải: lỏng lẻo trễ nải, suy ra là có lỗ hổng, khe hở; câu này có nghĩa là không có nhược điểm nào khiến người khác có thể công kích được, hình dung rất nghiêm khắc chặt chẽ chu đáo không có sơ hở, không thấy sơ hở nào; câu bắt nguồn từ kế sách Tôn tử: 攻其无备,出其不意 – công kì vô bị, xuất kì bất ý: khi tấn công quân địch, hành động vào lúc địch chưa phòng bị hoặc chưa tính đến. Tào tháo chú thích là: 击其懈怠,出其空虚 – kích kì giải đãi, xuất kì không hư: tấn công lúc địch lười biếng trễ nải, hoặc rỗng không).

(ii) Vạn chúng nhất tâm -万众一心 – wàn zhòng yī xīn (câu trong Hậu Hán thư; ngàn vạn người một lòng, hình dung đoàn kết nhất trí).

(iii) Vận dụng chi diệu, tồn hồ nhất tâm -运用之妙,存乎一心 – yùn yòng zhī miào,cún hū yī xīn (câu trong Tống sử, Nhạc Phi truyện, câu Nhạc Phi nói: 阵而后战,兵法之常,运用之妙,存乎一心: trận nhi hậu chiến, binh pháp chi thường, vận dụng chi diệu, tồn hồ nhất tâm: bày trận thế sau đó xuất chiến, đây là quy tắc thông thường của việc chiến đấu, nhưng có thể khéo léo linh hoạt sử dụng, tất cả là do giỏi giang thiện nghệ trong suy nghĩ, phân tích, nghiên cứu. Chỉ cao chiêu trong nghệ thuật chỉ huy tác chiến; đây là cách giải thích thông thường, còn tác giả Nam Hoài Cẩn có cách giải thích khác như trong bài).

(iv) Sách Hậu Hắc học của Lý Tông Ngô đã dịch sang tiếng Việt. Hậu là dày, Hắc là đen, sách của ông bàn về “mặt dày tâm đen.” Đọc thêm ở đây, tiếng Anh ghi là Thick Black Theory https://en.wikipedia.org/wiki/Thick_Black_Theory.

(v) Tam vương ngũ bá: các vị quân chủ kiệt xuất trước thời Tần; tam vương bao gồm vua Hạ Vũ, Thương Thang, Chu Văn Vương; ngũ bá bao gồm Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Sở Trang Vương, Ngô vương Hạp Lư.

(vi) Thâu kê mạc cẩu – 偷鸡摸狗 – tōu jī mō gǒu (trộm gà cắp chó; chỉ hành động ăn cắp, hoặc việc làm bất chính).

About Hoasinh Anhca
Trì Trung Hoa sinh hưởng lạc - Chi Thượng Anh ca mạn đề

Leave a comment