Phim review: Tân Hồng Lâu Mộng

Hôm nay là một ngày hay thật là hay, ở cái chỗ là, sau vài tuần chơi dài, hôm nay quyết định phục hồi nhân phẩm bằng cách quay lại với sách vở, thì… hì hì… word 2007 hết còn sử dụng được, do cài bản trial từ tháng trước đến giờ lăn ra hết hạn.

Vì cái hoàn cảnh vô cùng khách quan này, nên trong khi đợi bạn bè rủ lòng thương mà cài lại hộ office, nghe theo lời xui hôm nọ của nàng Dật Ly mà viết 1 cái phim review cho Tân Hồng Lâu Mộng vậy.

Gọi là review cho oai, chứ còn thực ra là vài cảm nhận khi xem Tân Hồng Lâu Mộng (THLM). Cho nên, nhớ gì viết đấy, sẽ không có dàn bài cụ thể. Cũng chú thích luôn là nhiều tập và nhiều đoạn bỏ lắm, chỉ tập trung vào xem 1 vài đoạn chính thôi.

  1. Về nội dung phim: bám sát  truyện. Không như phim HLM 1987  ở cuối đập 1 cái cho tan tành cả 2 phủ Vinh+Ninh, để Bảo Ngọc chịu khổ trong tù 1 thời gian rồi thả ra và anh này bỏ đi (tu), THLM phủ Vinh ko làm sao, Bảo Ngọc vẫn sung sướng, ăn mặc đẹp :-D,  đi thi cho thỏa lòng mong đợi của gia tộc, rồi rời trường thi ra bỏ đi tu…
  2. Phim có vẻ khá chú trọng vào đồ vật dụng sử dụng trong đời sống thường ngày ở 2 phủ  như cốc chén, thức ăn, đồ đựng thức ăn, lư hương, bình sưởi ấm, quạt, ngọc đeo quạt, đồ trang sức, đồ chơi…, hay trong các cuộc chơi đố thơ, đố chữ, vân vân, không biết mục tiêu có phải là phô bày nền văn hóa Trung Hoa? Cảnh hát tuồng diễn tuồng cũng nhiều (tất nhiên là hát diễn cho mấy nhân vật chính xem). Đồ vật thì hoàng tráng, nhưng nhiều cảnh liên quan đến con người dùng đồ vật lại kém tinh tế. Để lại ấn tượng nhất là cảnh Đại Ngọc + Bảo Thoa + Bảo Ngọc ngồi uống trà ở chỗ của Diệu Ngọc (cô con nhà quý tộc nhưng đi tu ý, theo truyện thì cô này vừa đẹp vừa giỏi lại vừa vô cùng cao ngạo). Cô Diệu Ngọc này cho mấy câu diễn thuyết về đạo uống trà, đại loại như uống 1 chén thì là thưởng thức, uống 3 chén thì không khác gì trâu bò uống , rồi đem mấy cái chén quý giá cất trong mấy cái hộp vô cùng đẹp đẽ ra để mời khách uống trà, ấy thế nhưng khi rót trà thì nước rơi cả ra bàn 😛 Các bậc tiểu thư ngày xưa, vốn là động tác chậm chạp, khoan thai, cẩn thận, bình trà có hay dây nước ra cũng phải có gì mà hứng, chứ ai lại rót trà 1 cách vô tâm như thế :D. Trong phim này, cũng hay tập trung chiếu cách các cô để tay lên đâu đó là cũng vô cùng điệu đà, chậm rãi, chỉ để hờ hờ, hehe, cho nên cái lỗi đổ nước ra bàn là lỗi của máy quay.
  3. Vườn Đại Quan: quá chán. Như đã chat với nàng Dật Ly, phim muốn xây dựng hình ảnh 1 vườn Đại Quan to lớn hoành tráng + hơi mang màu sắc ”mộng” + lạm dụng kỹ xảo quá mức –> cuối cùng cho ra 1 sản phẩm  thất bại, không còn giống 1 cái vườn, mà chỉ còn là các cảnh photoshop ghép vào với nhau. Một cái vườn nằm giữa kinh đô thì lấy đâu ra đồi núi mờ ảo nhấp nhô đằng sau? Vườn to đến mức nào mà thấy sông (???) kéo tít đến ko còn nhìn thấy đâu, nhà với đình thì la liệt dọc theo bờ? Mấy cái đình chỗ Giả Mẫu cũng đám con cháu hay ngồi ăn uống thì nhìn vô cùng giả tạo… Mà tạohiệu ứng vườn to quá, tự nó phản tác dụng, khiến cho không khí trong vườn khá loãng, ko gây cảm giác trăm hoa đua nở chị em dập dìu gì cả …
  4. Kiểu tóc của các nhân vật nữ: cái này báo chí cũng từng nói rồi, vô cùng thất vọng. Từ bà Vương phu nhân già khú đế đến mấy em tiểu thư trẻ ranh 12 13 tuổi đều để cùng 1 kiểu tóc xoắn đồng xu, trông đúng là diễn kinh kịch. À mà mấy cái phần tóc xoắn đồng xu bóng loáng, khác hẳn với phần tóc thật ở đằng sau, nên nhìn  như chụp 1 cái mũ trang sức làm bằng tóc giả lên đầu. Việc để cùng 1 kiểu tóc hạn chế khá nhiều việc nêu bật vẻ đẹp riêng của từng nhân vật (mà đáng ra nên làm).
  5. Lạm dụng lời người dẫn chuyện: thực ra HLM là 1 tác phẩm khó, lời thoại của các nhân vật đôi khi mang ý tứ cao xa, câu thoại tưởng như bình thường nhưng thực ra là  ám chỉ này ám chỉ kia, bóng gió này bóng gió kia,  đọc sách có khi phải đọc đi đọc lại, qua vài lần, phải nhập tâm vào các tình tiết nhỏ nhặt, mới hiểu được ý tứ trong câu nói. Chuyển thể thành phim, quay vèo qua, người xem mà ko đọc qua sách, khó hiểu được câu chuyện, được tâm tình, tính cách nhân vật. Vì thế phim THLM sử dụng lời người dẫn truyện rất nhiều, từ tả cảnh, đến tả nhân vật, đến tả tâm tình của nhân vật,  có phải là sợ người xem ko hiểu nên phải dẫn?  mục tiêu là phổ biến kiến thức cho thế hệ trẻ giờ đây xem phim ảnh nhiều nhưng ít chịu đọc các tác phẩm kinh điển? Tuy nhiên dẫn nhiều đến mức mà đôi khi cảm giác ko phải là xem phim, mà là nghe kể chuyện, còn nhiệm vụ của diễn viên là để minh họa cho câu chuyện kể, hic (giống như mấy chương trình ti vi về lịch sử hay có người đóng minh họa).
  6. Một kỹ thuật quay phim đáng ghét và cũng bị lạm dụng: là những đoạn mấy em hầu gái bê thức ăn cho tiểu thơ, hay là đoàn người đi lại gì đó, lại tua nhanh vèo 1 cái, nhìn rất nhức mắt (có thể do mắt mình kém).
  7. Suốt ngày phá lên cười – whats the hell? tóm lại là theo truyện, trong cái thời kỳ gia tộc này còn hưng thịnh, cuộc sống vô cùng phồn hoa, yến tiệc liên miên, lúc nào đám chị em cũng cười nói rộn ràng… ấy nhưng cười nói cũng phải có lý do  chứ? phim hay có những cảnh cả nhà quây quần, rồi phá lên cười, hay là nói những cái gì đấy chẳng đáng buồn cười, cả lũ cũng  cười rộ lên, rất là phản cảm.
  8. Nhân vật chính – tiểu Giả Bảo Ngọc: rất cute, diễn cũng được. Hạn chế duy nhất: quá trẻ, chắc trùng với tuổi của Bảo Ngọc trong truyện (khoảng 13 khi dọn vào ở vườn Đại Quan). Bản thân điều này thì chẳng sao, nhưng hạn chế ở chỗ là các diễn viên đóng Lâm Đại Ngọc, Giả Bảo Thoa không  trẻ được như thế, nên cuối cùng là dẫn đến thất bại siêu lớn của bộ phim: cặp ba Lâm – Giả – Tiết quá khập khiễng. Nhìn Giả bảo Ngọc thật như là cháu của 2 nàng kia, cảnh chàng+nàng đọc truyện dưới hoa đào trông như cô kể chuyện cháu nghe, không phải là Bảo ca ca với Lâm muội muội, xem ra xưng hô là cô Lâm với Bảo Ngọc nhi (kiểu như cô Long với Qua nhi trong Thần điêu đại hiệp) nghe hợp lý hơn…
  9. Về sau đoạn các em này lớn lên, thay diễn viên, cũng lại vẫn khập khiễng, mà bản thân cái việc thay đổi cũng khập khiễng nốt: diễn viên Lâm Đại Ngọc giữ nguyên (đâm ra lại hơi trẻ); Bảo Ngọc thay 1 em 17 18 tuổi, lúc này nhìn hình thức đã phù hợp với Đại Ngọc, nhưng tiếc thay cảnh quay giữa 2 người ko còn mấy, mấy cảnh quan trọng, vui đùa cùng nhau, chôn hoa, đọc sách, tỏ tình đều xong hết rồi; Bảo Thoa, Thám Xuân, Nghênh Xuân… đều thay, nhưng nhìn lại già hơn cả Vương Hy Phượng (không thay), và hic, già hơn cả Bảo Ngọc. Và nói chung, mấy diễn viên nữ lúc lớn này chẳng để lại ấn tượng gì.
  10. Nhân vật chính: Giả Bảo Ngọc lúc lớn: có 1 nét ôn nhu rất hay. Cảnh Tình Văn trước lúc chết, nằm khóc trong lòng Bảo Ngọc, Bảo Ngọc ôm lấy Tình Văn, là 1 trong những cảnh cảm động nhất phim.
  11. Nhân tiện tám luôn về Tình Văn của Dương Mịch: siêu đanh đá 🙂 chẳng nể ai kể cả Vương phu nhân. Ngoài ra cũng nhờ phước của các dòng phim thần tượng, truyện ngôn tình mà đoạn Tình Văn khâu áo cho Bảo Ngọc được kịch tính hóa 😛 đại loại là thay vì ngồi khâu áo đến khuya canh 2 canh 3 gì đấy thì giờ nửa ngồi nửa nằm khâu đến sáng, sát nút lúc Bảo Ngọc bị gọi mấy lần đi dự tiệc hay gì đó (trong khi Bảo Ngọc cuống quýt ko biết làm sao để giải thích chuyện cái áo cho bà, đương nhiên).
  12. Nhân vật chính – Lâm Đại Ngọc: chắc là để lại nỗi thất vọng cho nhiều người. Về mặt ngoại hình: theo truyện thì em này đẹp theo kiểu ốm đau bệnh tật u sầu, còn trong phim em này lại béo tròn quá mức cần thiết cho nhân vật Lâm Đại Ngọc. Em đã tròn thì chớ, lại cộng thêm kiểu tóc đồng xu tròn xoe, khiến cho bao nhiêu nét tròn trên mặt em là nở nang hết cả ra (đoạn cuối cùng lúc trước khi em chết, bỏ kiểu tóc đồng xu, để tóc chải lệch sang 1 bên, nhìn cũng ko đến nỗi). Bên cạnh đó thì em cũng cười tươi lắm, ko có chút gì u sầu đâu. Về trang phục: ko biết có phải diễn viên thiếu độ yểu điệu thướt tha cần thiết ko mà riêng nhân vật Lâm Đại Ngọc hay được cho mặc mấy bộ cánh áo tay dài lượt thượt đến gần chạm đất, đôi khi nhìn ridiculous.
  13. Cảnh Đại Ngọc khóc chôn hoa: mặt em tròn, tạo cảm giác sưng và vênh lên. Ngoài ra rất không thích đoạn em vừa chảy nước mắt vừa đọc mấy câu thơ mà chôn hoa người bảo ta ngây…. nhìn rất khiên cưỡng thiếu tự nhiên, nghe giọng đọc thơ cũng thiếu tự nhiên.

Lại chán viết rồi, thôi để tối, hoặc mai kia viết tiếp…

  1. Cảnh Đại Ngọc nghe được tin Bảo Ngọc cưới Bảo Thoa, vì đau khổ quá mà trở nên ngây dại, trong vô thức đi sang Di Hồng Viện tìm Bảo Ngọc, hai người cười với nhau (Lúc này Bảo Ngọc cũng đang ngây dại do bị mất ngọc), rồi Đại ngọc quay trở về thổ huyết, sau đó hấp hối và chết: cảnh này diễn hay, xứng đáng khiến cho người ta khóc. Bộ quần áo Đại Ngọc mặc lúc sang tìm Bảo Ngọc, xanh lá cây ở ngoài pha lẫn nâu ở trong rất đẹp. Dáng đi yếu, buồn và duyên dáng. Tóc kết bím để sang 1 bên cũng làm mềm hóa xâu đồng xu trên trán. Trên đường Đại Ngọc quay về Tương Tư Quán, ngồi lại ở 1 gốc hoa đào, cảnh tượng rất thê mĩ 🙂  love love.
  2. Tình tiết gây tranh cãi và phản ứng nhiều nhất trên báo chí-  tất nhiên là nàng Dật biết ta nói đến tình tiết nào rồi, chính là tình tiết em Lâm khỏa thân sau khi chết. Tức là lúc em ý chết vẫn mặc quần áo 😛 chỉ là sau đó em Tử Quyên phải thay quần áo cho em ý để cho vào hòm, nên mới có cái cảnh kia (một cánh tay trần trùi trụi rơi xuống cạnh giường). Phải chăng ý đồ đạo diễn muốn hiện thực hóa nhân vật Lâm Đại Ngọc? rằng đây là 1 nhân vật ”sống”, có thật, chứ ko phải là 1 nhân vật hoàn mĩ bước ra từ tiểu thuyết, chỉ tồn tại trong tiểu thuyết? Tóm lại là Lâm đại Ngọc thì cũng như ai, chết cũng chỉ còn là 1 cái xác cần phải lột trần ra,  lau rửa thay quần áo cho vào hòm và chôn :-).   Nói thực là bản thân ta cũng thấy phản cảm cảnh này, cái xác trên giường, còn 1 cánh tay lộ ra khỏi mảnh vải che người rơi xuống bên giường rất weird, nhận xét thêm ngoài lề là cánh tay của em Lâm rất tròn, nhìn giống như tượng tạc thời Phục Hưng bên châu Âu (thời mà hay vẽ mấy em béo tròn ý), again, tròn hơn so với cái tưởng tưởng là ốm yếu quanh năm, ko ăn uống gì mấy mà chết.
  3. Cùng theme hiện thực hóa Lâm Đại Ngọc còn có 1 vài tình tiết rất chi là đời thường của em Lâm, ví dụ như ngay đoạn đầu, khi em Lâm quan sát và học theo tục lệ phủ Giả, xúc miệng nước trà trước khi ăn tối, máy chiếu chiếu chính diện vào em ý nhổ cái miếng xúc miệng 😀 Báo nào đó cũng đã đề cập chi tiết này, đặc biệt khi so sánh với  Lâm Đại Ngọc của Trần Hiểu Húc đã để lại cảnh kinh điển là dùng khăn tay che miệng vô cùng có ý tứ và tao nhã khi nhổ nước miếng. Nhưng thực ra theo ta đây là lỗi của góc quay hơn là lỗi của diễn viên. Một tình tiết khác là em Tử Quyên phát hiện ra Lâm Đại Ngọc ho ra máu, chiếu cái đám nước dãi của em Đại Ngọc có dính máu trong bình nhổ, khiếp.
  4. Nhạc phim: cảm ơn bạn Thủy đã nhắc nhở đến vấn đề nhạc phim, một số cảnh hơi kịch tính, như lúc Bảo Ngọc cáu lên, lại dùng nhạc như nhạc rock??? ngoài ra thì nhạc trong phim ko lưu lại ấn tượng gì đặc biệt.
  5. Làn thu thủy, nét xuân sơn: cái này tám với nàng Dật rồi, phim theo đúng chuẩn mực gái đẹp là lông mày nhạt, nên lông mày các em đều được phủ phấn làm nhạt màu và thanh, well theo con mắt hiện đại thì nhìn hơi bệnh 1 chút, nhưng mà mỗi thời 1 khác, nên ko có ý kiến.
  6. Tình của Giả Bảo Ngọc giành cho Lâm Đại Ngọc: thích THLM ở chỗ này, tập trung khai thác mối quan tâm của Giả đối với Lâm. Giả tuy với chị em nào cũng quan tâm thật lòng, nhưng đặc biệt riêng với Lâm, thì Giả (từ bé tới lớn) tâm tư tinh tế, để ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt, quan tâm chăm sóc đến mọi mặt đời sống tâm tư tình cảm của em này . 2 cảnh khác cũng tạo được thiện cảm, gây cảm động, là cảnh sau khi chôn hoa, Giả đuổi theo Lâm nói chuyện, và thổ lộ ra mấy câu, đại loại tại sao hồi bé thân nhau, mà giờ dăm bữa nửa tháng lại ko thèm nhìn ngó đến nhau? từ bé cô nương thích gì ta cũng nhường cho cô nương, cái gì ta thích ăn, cô nương thích ta cũng nhường cho cô nương ăn, có những việc sợ nha hoàn ko nghĩ ra được, ta cũng thế nha hoàn nghĩ để chăm sóc cô nương… 1 cảnh khác cũng là Bảo Ngọc gọi Đại ngọc, và nói: em yên tâm. .. và chốt lại là cầm tay Tập Nhân (nhưng lại tưởng là cầm tay Đại ngọc) nói chỉ khi nào bệnh của em khỏi, bệnh của tôi mới khỏi… Có thứ tình cảm sâu sắc đúng nghĩa tri kỷ như thế, cũng đáng ngưỡng mộ chứ hả?
  7. Nhân vật chính- tiểu Tiết Bảo Thoa: về nhân vật này báo chí cũng đề cập rồi, trái với trong truyện, em này lại có nét thanh tú, mình hạc xương mai.  Trong THLM cũng khai thác tình cảm của Bảo Thoa nhiều hơn, ví dụ như mỗi lần trước mặt mọi người, Bảo Ngọc thể hiện tình cảm với Đại Ngọc, lại chiếu đến Bảo Thoa tuy ko nói gì nhưng mặt có nét nghĩ ngợi/ buồn. Bảo Thoa khi được gả cho Bảo Ngọc cũng nước mắt lã chã… THLM  thành công trong việc làm rõ hơn tâm tình của Bảo Thoa, em này cũng khổ lắm chứ có sướng gì đâu, em khóc vì biết mình chỉ là thế thân của Lâm Đại Ngọc ngồi lên kiệu hoa, em cũng biết rõ là Bảo Ngọc ko hề yêu mình, thế mà em chẳng than thở được câu nào với ai, phải âm thầm chịu đựng đấy. À khi lấy về rồi Bảo Ngọc vẫn gọi Bảo Thoa là thư thư (chị), ko giống như trong truyện dịch sang tiếng Việt hình như Bảo Ngọc gọi Bảo Thoa là mợ? Có 1 tình tiết khá quan trọng là chính Bảo Ngọc đề nghị ngủ chung với Bảo Thoa, nhưng ta chưa xem rõ đoạn trước của tình tiết này (căn bản là tua nhiều quá :-P), khi nào có thời gian sẽ tìm xem lại xem tại sao, nhưng hình như là lúc này Bảo Ngọc đã ngộ ra ý nghĩa tất cả các bài thơ đọc ở Thái Hư Ảo Cảnh??? về số phận các em, bao gồm cả số phận ko thể thay đổi được nữa của Bảo Thoa, và cũng ngầm vạch cho mình con đường bỏ đi rồi, nên quyết định làm vợ chồng với Bảo Thoa? (cái này là suy đoán thôi).
  8. Nhân vật chính – Vương Hy Phượng: xinh đẹp, là người để kiểu tóc đồng xu phức tạp nhất, và cũng phù hợp nhất, đúng kiểu mặt hoa da phấn. Mấy cảnh đánh ghen đều là cảnh thành công. Đoạn em này sang náo loạn ở phủ Ninh vì Giả Liễn lấy Vưu nhị thư (em cùng cha khác mẹ hay sao đó của Vưu thị vợ Giả Trân), diễn rất hay, ta vừa xem vừa cười nắc nẻ, vì em này than khóc, đòi tự tử, kể lể oan ức, náo tơi bời cho Vưu thị run như cầy sấy, Giả Dung cũng ba hồn bảy vía bay sạch, quỳ vái lia lịa  (chính xác ra phải gọi là diễn của diễn, vì đoạn này là em ý đóng kịch mà).  Nhưng 1 thứ ko đạt ở Vương Hy Phượng, là cười nhiều quá (và nhiều khi cười ko lý do), trong cái giai đoạn gia tộc còn phồn vinh. Ví dụ nhỏ thôi, lúc Đại Ngọc vừa đến nơi, theo truyện là nghe thấy người cười nói lao xao ngoài cửa, khiến em ý ngạc nhiên, vì ở đây dám có người cười nói như thế, rồi Hy Phượng bước vào… Nhưng mà cười nói lao xao là vì đi theo Hy Phượng ít ra có 1 đoàn hầu gái giúp việc, ngoài ra cô này quản lý cả phủ nên hay giao tiếp nói chuyện với mọi người xung quanh, cười nói là với người khác, chứ cười nói 1 mình có mà hâm??? Ấy thế mà trong phim, nhiều khi cảm giác là em ý tự cười đấy.
  9. Nhân vật phụ – Tần Khả Khanh: cá nhân ta ưng em này, nhìn xinh đẹp, tươi cười, nhã nhặn, nhẹ nhàng, duyên dáng và khéo léo, đúng như miêu tả trong truyện: rất gây cảm mến, được mọi người trong 2 phủ yêu mến. Tất nhiên cảnh em này ốm chết, như 1 bạn TQ nào đó nhận xét trên youtube ta tình cờ đọc được, Tần Khả Khanh bị bệnh chết chứ có phải trúng độc chết đâu, mà trang phục âm nhạc xung quanh cảnh này đều hơi rùng rợn.
  10. Cảnh phản cảm – Bảo Ngọc tập làm người lớn với Tập Nhân: sau khi Bảo Ngọc được dạy làm người lớn ở Thái Hư Ảo Cảnh, về ghé tai Tập Nhân kể chuyện và thực hành với em này. Bảo Ngọc mặt thì búng ra sữa, Tập Nhân theo truyện hơn Bảo Ngọc có 2 tuổi, nhưng chọn diễn viên nhìn như 25+ nên mặc dù chỉ quay cảnh cái giường đã che màn thôi, cái ý tưởng là 2 người này với nhau cực kỳ phản cảm.

Hôm nay tám đến đây thôi….

ko review tiếp, giữ lời đợi con chim xem xong thì tám …

Hàn Sinh

About Hoasinh Anhca
Trì Trung Hoa sinh hưởng lạc - Chi Thượng Anh ca mạn đề

4 Responses to Phim review: Tân Hồng Lâu Mộng

  1. Hoàng Oanh says:

    Hehehe, giờ mới để ý, 8 1 hồi, sau đó người ta tự xưng là Hàn Sinh 😛 😛 😛

    AC

    Like

  2. Sen says:

    đang thiếu cả tiền đi chợ, chẳng nhẽ lại là phú sinh?

    Like

  3. Sen says:

    Tiếc thay blog này là Hoasinh-Anhca –> HSAC, giá như là HSBC có phải tốt ko? hic, đề nghị con chim đổi tên thành Bank Ca….

    Like

  4. Hoàng Oanh says:

    Ok, HSBC thì hsbc 😛

    Bank Ca 😀

    Like

Leave a comment