Tối độc phụ nhân tâm và thể loại phim/truyện cung đấu

Tiếp bài của con Điểu nhi về thể loại phim/truyện cung đấu với Asian values versus Western values, bài này cũng về cung đấu, nhưng từ góc độ feminism.

Gần đây cung đấu là mảnh đất màu mỡ cho các nhà viết truyện/ làm phim TQ tha hồ khai thác. Có thể là do khai thác mãi đề tài đàn ông, chán rồi, nên xoay sang khai thác đàn bà cho vui.

Với cả, xét bối cảnh xã hội, đang có sự gia tăng ngày càng nhiều về số lượng  các em gái xinh tươi, giỏi giang, thông thái, kiếm tiền không kém ai ở Trung Quốc nói riêng và ở Đông Á nói chung. Mà như tiền bối Marx đã phát biểu một cách vô cùng đúng đắn rằng, cái gì đó, mà sự thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất … cho nên sự gia tăng số lượng gái giỏi đã góp phần làm tăng vị thế của phụ nữ nói chung trong tương quan lực lượng xã hội. Mà lại như tiền bối Marx  đã phát biểu vô cùng đúng đắn rằng, cái gì đó, mà vật chất quyết định ý thức, nên vị thế tăng lên của phụ nữ đã điều chỉnh lại ý thức xã hội về chủ thể “phụ nữ”. Đại loại là, không thể, và không còn có khả năng lờ đi phụ nữ cũng như tình cảm, tình yêu, sở thích, nhu cầu và thói quen của họ. Chuyện, họ giờ có tiền có thế rồi, là “rising power”, muốn lờ có phải là lờ được đâu, cũng như thế giới có muốn cũng không lờ một rising China được 😀 (khiếp thế chứ lại gắn chủ đề phụ nữ vào thuyết “sự trỗi dậy của cường quốc” của Chính trị quốc tế, chắc tại nhà này có một người hàng ngày theo dõi Hoàn Cầu thời báo nên mình cũng phải ra cái tý vẻ chính chị chính em cho lên blog được thơm mặt bằng bạn, mát mặt bằng người :-P). Hay dùng ngôn ngữ thị trường, phụ nữ bây giờ đã là nhóm “khách hàng tiềm năng”, là “thị trường vàng” (có tiền mà), dại gì mà lờ, kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt :-D. Cho nên, thể hiện ra trong lĩnh vực phim ảnh, thay vì hầu như chỉ lấy nam là nhân vật trung tâm như trước kia, giờ đây nữ cũng được đưa thành trung tâm của câu chuyện. Cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, tình yêu, tình cảm, quá trình đấu tranh cách mạng, thế giới quan, nhân sinh quan, sở thích, nhu cầu của phụ nữ đều được “chăm sóc” tận tình (Mà nhân tiện đây, thành thật xin lỗi tổ quốc, nhân dân, mái trường đại học xhcn thân yêu, thầy cô kính mến, cùng họ hàng thân tộc, bạn bè gần xa, bà con lối xóm vì mớ kiến thức triết học Marx-Lenin thủng lỗ chỗ và áp dụng lung tung ở trên – cái bệnh đã dốt còn thích nói chữ nó khổ thế). ===> chà vận dụng ngay lý luận mác xít lê nin nít vào đời sống hàng ngày nhỉ, quán triệt quá 😛

Thế cho nên là, ngày càng có nhiều đề tài phim ảnh lấy phụ nữ làm trung tâm cũng phản ảnh xu thế ‘quan tâm phụ nữ’, ‘ghi nhận vai trò của phụ nữ’ đáng phấn khởi hả? Nói là nói thế, chứ chưa có gì đáng mừng lắm đâu. Chị em tuy có góp tý gió, nhưng còn lâu mới thành bão. Căn bản là cho đến giờ xã hội mới chỉ có hiện tượng tự phát, chứ chưa có đầy đủ ý thức tự giác cách mạng 😛 (xã hội ở đây là chỉ toàn xã hội nói chung chứ không riêng gì phái nữ). Ví như ở nhà này có một người đấy, mở miệng ra là sặc mùi “chủ nghĩa nữ quyền”, đại loại như, “bạn vốn không thích xem các loại tranh đấu giữa các phi tần, mà căn nguyên là do ko thik cái chế độ đa thê” (xem bài trước, link ở trên), hay “btw, .. bị coi như “1 mụ đàn bà” là 1 nỗi sĩ nhục của đàn ông, hài thế đấy, vì mình feminist nên mình sẽ ko nói như vậy ” (ở phần comment của bài này). Chưa kể là họ đã được trang bị khá đầy đủ bằng những lý luận sắc bén của chủ nghĩa nữ quyền :-). Nhưng, người này vẫn một hai khẳng định ta đây bàng quan ơ hờ, tuy có “quan ngại sâu sắc” nhưng không rảnh mà đi biến đau thương thành hành động cách mạng: “Mặc dù bản thân em là fan của feminism nhưng mà chỉ dám coi nó là 1 đồ chơi trong tủ kính, lâu lâu ngắm nghía săm soi cho vui, chứ chưa bao giờ cho rằng nó sẽ làm dc cái gì “ra tấm ra món”, ở Tây còn bị nhạo báng kịch liệt, huống j là ở VN… :((“ (trích nguyên văn ở facebook nhé). Đấy, quạt còn một hai không chịu giác ngộ, huống gì là ai, hì hì. ===> Hơ, có giác ngộ mà, chỉ là “lực bất tòng tâm” + “biết mình biết người trăm trận trăm thắng” cho nên ko manh động 😀

Chưa kể, như người này đã nhận xét rất chính xác rằng, “cơ mà thực tình thì đa số phụ nữ lại anti-feminism – thật là nghịch lý đáng yêu :))” (ta là ta ngưỡng mộ khả năng tầm chương trích cú của mình nha). Hay sử dụng một ngôn ngữ mang tính học thuật hơn để diễn đạt, chính những người phụ nữ cũng góp phần không nhỏ vào cái quá trình kiến tạo trật tự và tư duy “nam trọng nữ khinh” trong xã hội (bởi vì họ cũng là sản phẩm của cái trật tự và tư duy đó rồi, nên khó mà nghĩ thoát khỏi khuôn khổ nhận thức hiện hành được). Lấy ngay ví dụ từ cái câu phát ngôn của đồng chí “người này” trích ở trên, có bao nhiêu người phụ nữ ở VN là chưa từng nói qua câu, “thằng A B C đàn bà lắm”,  “tính như đàn bà”, “cư xử như đàn bà” với hàm ý chê bai, khinh thường, sỉ nhục?. “Đàn bà” kia hay được xã hội gắn cho đủ thứ tính chất xấu xa như thiếu rộng lượng, nhỏ nhen, lắm lời, vân vân và vân vân. Chẳng thấy mấy ai đặt câu hỏi liệu quan niệm như thế có đúng không… hầu như tất cả đều chấp nhận như đúng rồi, là sự thật không phải bàn cãi, và hết thế hệ này đến thế hệ khác cứ nói theo một cách rất “có tinh thần xây dựng” (tại gia đình , trường lớp, xã hội, sách vở đều dạy thế, bản thân mình cũng “cảm” thấy thế, “nhận” thấy thế, chẳng nhẽ lại sai???). Cũng chưa thấy ai nói, anh A B C tính như đàn bà, với hàm ý ca ngợi, là nhân từ, vị tha, biết yêu thương, chung thủy và cư xử mềm mại cả. Còn đàn ông mà thù dai nhỏ nhen á, nếu chê thì “bị” gọi là đàn bà, còn nếu khen thì “được” gọi là “quân tử trả thù mười năm chưa muộn”, “quân tử có thù tất báo” (Sợ thế !!!). Cho nên, đợi đến khi hiện tượng tự phát biến thành dòng thác cách mạng (nếu có), đưa công cuộc bình đẳng giới đi đến thắng lợi cuối cùng, chắc cũng lâu ngang bằng đợi đến khi có xã hội cộng sản :-P. (Không biết là lần thứ bao nhiêu, nhưng ở nhà này một lần nữa phải khẳng định chủ nghĩa nữ quyền, bình đẳng giới  không có nghĩa là đòi phụ nữ giống như đàn ông tất tần tật mọi thứ trên đời, đặc biệt là với thái độ hằn học, như thiên hạ vẫn hay lầm tưởng. Ngoài ra, bạn có thấy không, hôm nay ta rất chi là Marxist đấy :-D).

 

Tối độc phụ nhân tâm???

Lan man tán nhảm một hồi, giờ quay lại mục đích chính của bài viết này. Đấy là, bàn mấy câu về hình tượng phụ nữ được kiến tạo qua các phim/ truyện cung đấu.Theo một góc độ, sẽ thấy thể loại phim/truyện này là tiếng nói cảm thông với số phận bi thảm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói riêng và phụ nữ nói chung (rất có tính phê phán, rất có tính cách mạng, same old story nhỉ :-), lại mời đọc lại bài trước của con Điểu nhi). Nhưng theo một góc độ khác, cũng sẽ nhận thấy hình tượng phụ nữ trong phim/truyện vẫn được xây dựng dựa trên những gì xã hội Đông Á chúng ta từng nhìn nhận về phụ nữ từ xa xưa cho đến nay, mà theo đó, phụ nữ xấu tính và thiển cận hơn đàn ông trên mọi phương diện – phụ nữ và tiểu nhân vốn được xếp ngang nhau. ===> Mỗi ngày 1 thành ngữ – Tử viết: Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã! 😛

Thậm chí, trên đời này còn tồn tại một thứ nhận thức gọi là “Tối độc phụ nhân tâm – độc nhất là lòng dạ đàn bà”. Đây là một câu nói vô cùng nực cười. Xét lịch sử, giết người không gớm tay, phụ tình, phũ tình, đều không phải hành vi phụ nữ hay làm hoặc có khả năng và điều kiện làm. Thế mà câu này tồn tại không biết bao nhiêu trăm năm, nhờ được thiên hạ liên tục đem ra làm mới và hâm nóng. Phim/truyện cung đấu ngày nay cũng góp phần không nhỏ.

“Đấu” –  phụ nữ đã không đấu thì thôi, không tranh thì thôi, chứ đã đấu đã tranh là cũng trời long đất lở. Điều này chắc ai cũng ngầm thừa nhận hả. Ở vào cái thời buổi kinh tế thị trường này, hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống đều được quy định bởi mấy chữ “cạnh tranh”, “đấu đá”. Ý thức hệ “cạnh tranh” thẩm thấu vào não chúng ta đến nỗi chúng ta không thể tưởng tượng được trong cuộc sống mà lại không có tranh, có ai đó mà lại không tranh, kể cả ai đó sống cách đây cả vài trăm năm. Căn nguyên của sự bùng nổ của các thể loại phim/truyện cung đấu cũng là đây. Đừng tưởng phụ nữ ngày xưa là hiền lương thục đức, tam tòng tứ đức. Đặt vào trong hoàn cảnh tranh đấu, cũng không kém cạnh gì ai, bản năng nó thế rồi. Tạm chấp nhận tiền đề này đi (trong lịch sử, có bao nhiêu vụ đấu đá thực sự xảy ra???), nhưng phụ nữ đấu vì cái gì và đấu như thế nào?

Cũng giống như đàn ông, phụ nữ tranh đấu không ngoài mấy thứ như quyền lực, tiền bạc, tình yêu này nọ. Khác nhau mỗi chỗ là, hành động tranh đấu của đàn ông thường được cộng thêm ý nghĩa vì dân vì nước, vì chính nghĩa đạo đức này kia.  Còn hành động tranh đấu của phụ nữ  ít được tô vẽ bằng mấy thứ giá trị cao cả đó, thay vào đó là sự tự tư tự lợi. Đàn bà đấu vì muốn chồng yêu riêng mình, còn đàn bà khác vì thế mà thiệt thòi, đau khổ thì đành chịu thôi. Đàn bà đấu để mình được chưởng quản lục cung, mẫu nghi thiên hạ, hay rộng hơn tý nữa là dòng họ mình được giàu sang vinh hiển, vì leo lên quyền lực mà giẫm đạp lên bao nhiêu mạng người. Đàn bà đấu để con mình tương lai rộng mở, không ngần ngại hại con người khác chết nhăn răng, thủ đoạn yêu thích là đập chết ăn thịt ngay từ trong trứng nước (phim nào cũng có vài vụ cho nhau sảy thai/ mất khả năng sinh con này kia).

Sở dĩ có thể khái quát ra như thế này,  bởi vì trong phim/truyện nam đấu, thường là số lượng đàn ông vì dân vì nước, hoặc hy sinh bản thân vì nghĩa nhớn khá nhiều, và thường nhiều hơn đàn ông xấu. Mô hình phổ biến là tự dưng có một thằng cha phản động tà ác nào đó nhảy ra gây rối mù tang tít, làm mất đoàn kết nội bộ, khiến các lực lượng chân chính phải tụ họp xung quanh ngọn cờ chính nghĩa để diệt trừ. Hoặc là hai bên chính tà cân bằng lực lượng, rồi chính thanh trừng tà để làm trong sạch quần chúng :-P. Còn trong cung đấu, trừ một em nhân vật chính+ một hai tay chân ra, còn lại toàn là đàn bà tự tư tự lợi, ganh ghét, giả dối, nham hiểm, và đổi phe như chảo chớp (tiện nhân tựu thị kiểu tình – 😀 vừa học được từ bài của con Điểu nhi). Đặc biệt là tình bạn của đàn bà không hề đáng tin, xã hội người ta còn kết luận là không có tình bạn thực sự tồn tại giữa đàn bà cơ đấy (tình tiết từ chị em tốt biến thành thù địch rất được ưa chuộng). Chưa kể, trong khi đàn ông có khí tiết vững vàng , khó khăn gian khổ nhưng tấm lòng son vẫn chói lóa cùng sử xanh :-P, thì mấy em nhân vật chính trong cung đấu có nguy cơ đổi mầu rất cao, gần mực là đen ngay,  từ ngây thơ trong sáng biến thành âm hiểm thủ đoạn. Tóm lại, đàn bà, phần đông là xấu và dễ thoái hóa biến chất cả???.

[===> Hehe, thật may là mình và bạn YL chưa bao giờ nhận nhau bạn bè tốt (hì, sau này có đâm sau lưng cũng ko bị phỉ báng, nhĩ – áp dụng nhuẫn nhuyễn và thành thục hedging policy :P)]

Tất nhiên là khi phim/truyện cung đấu tập trung khai thác, nhấn mạnh các khía cạnh tiêu cực như trên, những thứ không hoặc hiếm khi được nhắc đến,  là khả năng bảo tồn và phát huy các giá trị “tu thân”, “trị quốc” của giới nữ (trong số nhiều các giá trị khác). Chẳng nhẽ phụ nữ vì tranh giành mà bất chấp nhân nghĩa, hoặc những giá trị tam tòng tứ đức mà người ta hay dạy cho họ?  Chẳng nhẽ phụ nữ không biết thế nào là trượng nghĩa, vì bảo vệ công lý mà đấu tranh? Phụ nữ tranh mà không nghĩ mảy may đến “dân”, “nước”, “đại cục”? Phụ nữ nhẫn tâm giết con của chồng? Trong phân tích diễn ngôn  những thứ này được gọi là “sự quên lãng” hay “im lặng” trong hệ nhận thức(silences – hic không biết tiếng Việt dùng thuật ngữ gì). Tức là không phải chúng không tồn tại hoặc không có khả năng tồn tại, mà là người ta phớt lờ chúng một cách có hệ thống (chính quy và chuyên nghiệp là đây :-P). Hay nói chính xác hơn, chúng không nằm trong cái hiểu biết vốn được dạy dỗ cũng như tưởng tượng của người ta về phụ nữ. Nói đàn bà vì ghen tuông mà hãm hại lẫn nhau, thì anh hiểu, tôi hiểu, trời hiểu, đất hiểu hả, còn bảo đàn bà quyết không tranh giành vì kiên định mục tiêu  tam cương ngũ thường, hay đàn bà có thể giết, chứ không thể làm nhục, hay “đàn bà chi giao đạm như thủy” – quan hệ của đàn bà nhạt như nước lã :-P, hay đàn bà vì tri kỷ mà chết, hay lại ôm mối “tiên ưu hậu lạc” – lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ, nghe nó buồn cười và thiếu “hiện thực phê phán” hả? (haizzz, cho ai tình cờ đọc đoạn này, có mấy câu thành ngữ TQ nguyên gốc như sau: sĩ khả sát, bất khả nhục; quân tử chi giao đạm như thủy; sĩ vi tri kỷ giả tử; tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc, vào trang này đều có giải thích).

Nói đến đấu nhau thế nào, như trên đã nêu, đòn ưa thích là cho nhau sẩy thai/ vĩnh viễn không thể đẻ con/ hại chết con của nhau. Độc là độc ở cái chỗ này đây. Đến trẻ con cũng không tha (lại phải đặt câu hỏi nghi vấn, trong lịch sử thật xảy ra bao nhiêu vụ thế này, mà nay chúng ta xem cứ như là đương nhiên vậy ???). Nhưng, thêm một cái nhưng, nếu làm phép so sánh, thì số người chết do đàn ông đấu nhau chắc phải lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, sự tinh vi nó nằm ở chỗ là, số người chết đó thường được xếp trong một hạng mục chung chung là “kẻ thù” – che khuất thực tế là trong cái đám đông kẻ thù đó có thể có người già, phụ nữ và trẻ em. Với cả, giết kẻ thù có lý do rất chính đáng là vì nước vì dân.  Tất nhiên rồi, hình tượng anh hùng hảo hán, chính nhân quân tử, vua hiền tôi giỏi làm gương cho xã hội thì không thể để liên quan trực tiếp đến việc giết hại dã man một cá thể vô tội nào đó được. Ngoài ra thì, đàn bà hay sử dụng các chiêu trò ngậm máu phun người, ném đã giấu tay, chọc gậy bánh xe, vừa ăn cướp vừa la làng, còn đàn ông họ xử lý nhau trên sa trường bằng gươm giáo, hoặc trên triều đình bằng các công cụ luật pháp, rất ư là quang minh lỗi lạc. Cũng chỉ có phe xấu, tiểu nhân âm hiểm (mà như trên nói, không nhiều) mới sử dụng các chiêu thức ám muội mà thôi.

 Nếu như ai đó nói, cái gì đó mà lịch sử là tấm gương soi của hiện tại, hay có lẽ chính xác hơn, là những gì chúng ta nhận định và tô vẽ về lịch sử phản ảnh tư duy của chúng ta ở hiện tại, thì quan niệm của xã hội hiện đại về đàn bà, thật sự khác được bao nhiêu so với ngày xưa?

 

… Và vài dòng về truyện ngôn tình

Con Điểu nhi lần trước hỏi ta, có viết về truyện ngôn tình nữa không…

Truyện ngôn tình có rất nhiều điểm hay và hấp dẫn, nhưng ở khía cạnh “nữ quyền”, cũng là một cái nôi bảo tồn và phát huy cao độ tư tưởng trọng nam khinh nữ, minh chứng hùng hồn cho câu phát biểu của đồng chí “người này” ở trên.

Đây có lẽ là một trong những điểm gây ấn tượng sâu sắc nhất khi đọc ngôn tình cả cổ đại, xuyên không lẫn hiện đại, đô thị. Mấy anh vương gia, tổng tài, nhân phẩm của các anh rất có vấn đề. Mặc dù các anh yêu và sủng mấy chị nữ chính, nhưng các anh đối xử siêu tàn nhẫn vô nhân đạo với mấy em khác (mấy em này hay được gắn mác tham tiền, hám của để bao biện cho cách hành xử của các anh là “đúng người đúng tội”, không có gì sai). Tham tiền thì sao, hám của thì sao, chỉ làm tình nhân của anh vì tư lợi thì sao? chẳng nhẽ vì thế mà có thể đối xử với con người ta như với súc vật? Một số anh đối với chị nữ chính thậm chí còn hiếp trước yêu sau. Thế nhưng chị em chúng ta không những dễ dàng bỏ qua,  có khi còn tôn các anh lên thành hình tượng đáng mơ ước.

[Ngoài lề: Đã nói đến những điểm gây ấn tượng sâu sắc của truyện ngôn tình, thì nói cho chót. Có một điểm hài hước nhưng cũng đáng buồn, đấy là sự kiến tạo trật tự Eurocentric, chính người châu Á chúng ta làm. Châu Âu cái gì cũng đẹp, cũng sang, cũng đáng mơ ước, là chuẩn mực của sự sang trọng và vẻ đẹp thanh lịch quý phái, mấy nhân vật chính thì trưng đầy người toàn hàng hiệu châu Âu, cho thiên hạ tha hồ suýt xoa lác mắt :-)].

 

Kết luận

Tất cả những ghi chép ở trên, là để cho thấy chúng ta hay ngộ nhận là chúng ta suy nghĩ văn minh lắm, tiến bộ lắm so với “xã hội phong kiến thối nát”, nhưng thực ra, thứ gọi là văn hóa, thay đổi chậm hơn nhiều so với chúng ta tưởng tượng. Lịch sử cũng chứng mình rằng, đến một cuộc cách mạng hào hùng với hai cuộc chiến tranh thần thánh chấn động địa cầu, vang dội năm châu, cũng chẳng xóa được là bao những “tàn dư” của chế độ cũ :-P, như cái phong trào điểm mặt chỉ tên những thói hư tật xấu của người Việt nêu ra một đống đấy, thì nói gì đến công cuộc mà gặp thập diện mai phục như bình đẳng giới.

 

Tái bút

Hôm qua nói chuyện với con Điểu nhi, nàng ta bảo đấu tranh cho chủ nghĩa nữ quyền là con dao hai lưỡi. Nếu ai xinh đẹp còn có thế, chứ nếu thiếu xinh đẹp thì “thiên hạ” ném đá cho te tua. Ta bảo, thật, như chúng ta vừa thiếu xinh đẹp vừa ế, thiên hạ lại kết luận ngay là con này không có thằng nào thèm lấy, cay cú mới đấu tranh. Chính vì thế, con Điểu nhi nhà này đã kết luận rất thông thái rằng, vì chúng ta hèn nhỉ, nên chúng ta chỉ thấy bất bình đẳng thì tường thuật, ai tin thì tin, không tin thì thôi (già rồi tim yếu chân run, nhỡ đấu tranh vũ trang, thiên hạ ném đá, chạy không kịp lại hứng mấy hòn đá vào đầu, thành “nữ thạc sỹ nhập viện tâm thần vì ế chồng”). Bài này viết theo tinh thần như vậy. 🙂

 

Bonus

Mời xem Vũ Linh – Kim Tử Long hát trích đoạn Hồ Quảng “Phàn Lê Huê”. Nhân vật nữ thì không chuyên nghiệp lắm.

Phút thứ 18: 40 Tiết Đinh San (Vũ Linh) có hát một câu vọng cổ có nhắc “tối độc phụ nhân tâm”, rất là mỉa mai…

Và ở clip này, phải ca ngơi anh Kim Tử Long – vai Tiết Ứng Luông, vì hát rất hay và vũ đạo rất đẹp (thần tượng của ta cũng khỏi chê).

Ngoài ra lời thoại vô cùng hay.

Và không hiểu sao các kép cải lương, quăng chén quẳng quạt rất ư là điệu nghệ 🙂

Hoa Sinh

About Hoasinh Anhca
Trì Trung Hoa sinh hưởng lạc - Chi Thượng Anh ca mạn đề

2 Responses to Tối độc phụ nhân tâm và thể loại phim/truyện cung đấu

  1. Chà chà, bài viết enlightening quá 😛

    Hehe, đầu tiên là vô cùng sorry vì chen mấy cmmt vào bài bạn đang viết, mà có thể gây distracting >_< cơ mà bạn viết thú tính thế, ko cmmt nó phí đi, mà xuống dưới cmmt thì phải quote lại nữa 😦

    Độc nhất phụ nhân tâm (phỉ báng, mỉa mai) vs. Ta thà phụ thiên hạ, chứ ko để thiên hạ phụ ta (đáng hâm mộ :P) – Em biết nhiều người là quạt của Tào tháo phết đấy – cái j mà "Tiên sư cái anh tào tháo, sao mà giỏi thế" ấy nhỉ 😀 => chúng ta construction thế nào mà ra dc cái suy nghĩ thế này cũng giỏi ghê chứ hả 🙂

    Hì hì, các tinh thần của film/truyện cung đấu nay đã dc quán triệt và thực thi cụ thể trong đời sống, cứ lên afamily hoặc là webtretho 1 vòng, là thấm nhuần dc cái j là "lý tưởng sống" của chị em chúng ta. Các topic hot thường là:
    – Chồng em có bồ => làm sao đây? Ý là lên xin phương hướng chỉ đạo cho công tác dằn mặt, trả thù…
    – Làm thế nào để "quyến rũ" trai 😀 => mục tiêu lớn nhất trong đời là kiếm dc 1 ông chồng tốt, 5C càng tốt (j mà condo, car, cash, credit card và COCC :P) [ở sing thì cái cuối là countryclub member card] => Chồng càng xịn thì càng hãnh diện vs đời.
    – Làm sao để "giữ lửa" gia đình (ý là để quyến rũ chồng, ko cho chồng nghía mấy em chân dài váy ngắn – mà dường như omnipresent :P) với đủ loại phương cách từ deterence, prevention, containment, preemption, punishment rồi đến cả post-conflict reconstruction… 😀
    … và …

    Nhưng phụ nữ tham vọng và dựa vào đàn ông để hoàn thành tham vọng còn ko đáng sợ bằng 1 kiểu suy nghĩ khác, mà ko hiểu làm sao các chị em phụ nữ rất yêu thích – đó là đàn ông phải có tính sở hữu, phải độc ác, mạnh tay vs phụ nữ, phải điều khiển phụ nữ 😀 Đó là thể loại "ngược luyến tàn tâm" nổi tiếng (mà trong post về truyện ngôn tình của bạn YL có nhắc đến). Mình thì ko đọc tr ngôn tình nhiều nên ko bàn thêm, có điều mình nhớ nhất là cái film, một thời dc các bạn vs đồng nghiệp chúng ta tung hô trên Fb, chà, quên tên rồi, có anh Lưu Khải Uy ấy. Đại khái là 1 tên rapist, và em gái nhân vật chính thì bị Stockholm syndrome nặng – ấy thế mà phim lại dc sự đón nhận nồng hậu và ấm áp vô vàn từ rất rất rất nhiều chị em phụ nữ =.= (Nhưng có khi do mình ko xem nên ko hiểu được, đằng sau hành vi raping dã man tàn bạo, là 1 trái tim yếu ớt, rỉ máu thổn thức, hic hic hic >__<)

    Trên FB, lâu lâu mình cũng hay thấy các bạn gái post lên các status kiểu như, ôi, mỗi lần mình bị chồng quát, mình thật hạnh phúc :P. Hì, thường là quát kiểu, sao ko ăn cơm đi, ăn đi không "tao" oánh chít giờ, sao ngốc nghếch ngớ ngẩn thế hả, trời lạnh sao ko mặc áo lạnh, … sao ko thế này mà lại là thế kia… tức là thích dc chăm sóc dưới hình thức quát nạt, uy hiếp!!! what the…?

    Ngoài lề, là mình phục cái khả năng tầm chương trích cú, công tác lưu trữ thông tin của bạn… Quote ra nx lời mà ta còn ko biết là ta đã từng thốt ra 😥
    Việc này thực sự là tiếng chuông cảnh tỉnh cảnh tỉnh cho cái thói hay quên (và giả vờ quên :P) của bản thân mình. Có lẽ bây g phải làm cuốn sổ, nói ra câu j phải save lại mới dc, chứ cứ cái kiểu nói xong rồi quên này, có ngày mang vạ vào thân mất >_<

    Anhca

    Like

  2. Sen says:

    ===> Mỗi ngày 1 thành ngữ – Tử viết: Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã! –> hình như công việc đúng đắn mà bạn nên làm là chép lại cái thành ngữ này vào danh sách 2 🙂

    [===> Hehe, thật may là mình và bạn YL chưa bao giờ nhận nhau bạn bè tốt (hì, sau này có đâm sau lưng cũng ko bị phỉ báng, nhĩ – áp dụng nhuẫn nhuyễn và thành thục hedging policy )] –> bạn không đọc câu trong ngoặc đơn à, chị em tốt, CHỊ EM TỐT, cho nên bạn khôn hồn mà….

    Theo như phân tích của bạn, hệ tư tưởng “hôn nhân và gia đình” ngày nay đang tiến đến giống y chang như hệ tư tưởng “chiến tranh”, có cạnh tranh, có thắng, có thua, có địch, có ta, có phòng bị, có 36 mưu kế vân vân, tức là chúng ta thật sự coi và cư xử trong tình trường như chiến trường –> rất thú vị đấy. (khi nào có thời gian phải đi một vòng dạo quanh phố phường, dạo qua thị trường để collect tư liệu làm cơ sở cho phân tích xã hội về sau mới được). ==> thank you for this interesting finding.


    Ta đã nửa cố ý giấu identity cho bạn rồi , là bạn claim chính chủ đấy nhé (đồng chí “người này” nghe như đồng chí X hihihi)

    Like

Leave a comment