Mỗi ngày một kiến thức – “Sát thủ đầu mưng mủ” và cuộc tranh luận giữa Confucianism versus Liberalism?

Trên mạng Dân trí  vừa đăng hai bài như sau (mà có vẻ lấy lại từ Người Lao Động):

Dã man như con ngan, Đời rất dở nhưng cần phải niềm nở, Đẹp trai nhưng hai phai, Đã xấu lại còn xa – Đã sida lại còn đi hiến máu… Những “thành ngữ” trong cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” đang gây sốt trên các diễn đàn trẻ.
Cuốn sách có cái tựa khá sốc Sát thủ đầu mưng mủ (do Công ty Nhã nam & NXB Mỹ Thuật ấn hành) in những câu nói “độc chiêu quen thuộc” của giới trẻ cùng với phần tranh minh họa hài hước của họa sĩ Thành Phong.
Trong sách có đầy những “thành ngữ” không có trong từ điển tiếng Việt nhưng khiến độc giả tuổi teen say mê, kiểu như: Buồn như con chuồn chuồn, Tào lao bí đao, Bó tay con gà quay, Đói như con chó sói, Điên đi trong công viên, Ngất ngây con gà tây, Xấu nhưng biết phấn đấu, Ăn chơi sợ gì mưa rơi…
Trả lời trên một trang báo mạng, họa sĩ Thành Phong nói rằng cuốn sách chủ yếu là để vui thôi. Không phủ nhận rằng sách đã đạt được mục đích giải trí kiểu cười cho vui khi đã được các diễn đàn trẻ hưởng ứng nhiệt liệt.
Tuy nhiên, cũng chính những thành ngữ không thể tìm thấy trong từ điển Việt ở Sát thủ đầu mưng mủ lại trở thành mối lo ngại phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt. Không ít câu nói ngỡ ngàng: Bộ đội phải chơi trội, Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ, Không mày đố thầy dạy ai, Hận đời cắt tóc đi tu, nghĩ đi nghĩ lại đi tù sướng hơn, Yêu nhau trong sáng – phang nhau trong tối…
Nhiều bạn trẻ trên các diễn đàn tỏ ý bất bình với cuốn sách. Bạn đọc có nickname Nobitahut cho biết: “Văn hoá nhảm. Trêu đùa nhau còn được lại xuất bản chính thức nữa cơ à. Loạn…!”. Longtada: “Xem thì cũng hài đấy nhưng cho phép xuất bản thì hơi bị lố. Không biết sao sách này được cấp phép xuất bản vậy ta? Khó hiểu”…
Lời mở đầu sách cũng bằng những câu kiểu giỡn chơi, dây cà ra dây muống: “Bạn lật cuốn sách trong tay với một vẻ tò mò, tự nhủ, không hiểu đây là loại sách gì. Sách gì mà rặt những thoải con gà mái với lại bét nhè con gà què với lại cướp trên giàn mướp với lại ngất trên cành quất câu cú cứ ngổ ngáo kỳ quặc chết lên được!… Ờ thì đại để nó là một cuốn cẩm nang thành ngữ có minh họa dành cho “dững người trẻ”…
Thật sự không biết phải xếp Sát thủ đầu mưng mủ vào thể loại sách gì!
Những câu nói vui dẫu quen thuộc chỉ “lưu hành truyền khẩu” trong một bộ phận giới trẻ nhưng một khi đã in thành sách thì hẳn nhiên sẽ có sức lan tỏa trong xã hội. Điều gì còn lại sau tiếng cười, chỉ là “vui cho qua” hay là sự độc hại của ngôn ngữ?

Theo Hàn Đông – Người Lao Động

Ngày 25/10, ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục xuất bản cho biết, sau khi Cục xuất bản có công văn gửi NXB Mỹ thuật yêu cầu giải trình, NXB này đã có quyết định thu hồi cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”.

Ngay sau khi Sát thủ đầu mưng mủ được NXB Mỹ thuật và công ty Nhã Nam phát hành, cuốn sách đã bị dư luận lên án dữ dội vì những ngôn từ làm méo mó, mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Cuốn sách tập hợp 120 câu nói thông dụng, cửa miệng hiện nay của giới trẻ như “Ngất ngây con gà tây”, “Phi công trẻ lái máy bay bà già”, “Thuận vợ thuận chồng, con đông mệt quá”, “Tào lao bí đao”, “Tự nhiên như cô tiên”, Xấu nhưng biết phấn đấu”, “Đói như con chó sói”, “Một con ngựa đau, cả tàu được thêm cỏ”, “Bộ đội thì phải chơi trội”, “Một điều nhịn là chín điều nhịn”, “Cái khó ló cái ngu”… Đi kèm mỗi câu nói là một biếm họa do Thành Phong thực hiện. Sát thủ đầu mưng mủ vừa được phát hành trong tháng 10/2011.

Ngay khi sách phát hành, nhiều ý kiến tranh cãi đã diễn ra trên các diễn đàn. Một số độc giả trẻ lên tiếng ủng hộ, hưởng ứng còn số đông thì phản đối, thắc mắc vì sao sách này được xuất bản?

Trả lời trên một trang báo mạng, họa sĩ Thành Phong nói rằng cuốn sách chủ yếu là để vui thôi. Còn với ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty Nhã Nam, đơn vị liên kết với NXB Mỹ Thuật để xuất bản cuốn sách này trả lời trên VTC News đã biện dẫn rằng: “…vô số những thành ngữ, tục ngữ dân gian cổ truyền của cha ông ta là “nhảm nhí” và “không có lợi” và “sốc”. Tôi đơn cử: “L… đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” hay “Văn chương chữ nghĩa bề bề/Thần l… ám ảnh vẫn mê mẩn đời” có lẽ cũng gây sốc cho không ít người đâu”.

Ông Giang cho rằng riêng câu “Đã xấu mà lại còn xa” thậm chí còn có cả mẫu trong tục ngữ. Đó là “Đã gian lại còn ngoan/Đã đi làm đĩ lại toan cáo làng!”… Thế còn chê là nhảm thì “Im ỉm như gái ngồi phải cọc”, “uống rượu ngồi dai, d… mài xuống đất” hẳn cũng khá là nhảm; rồi những câu như “Không ăn được thì đạp đổ” hay “Không chồng mà chửa mới ngoan/Có chồng mà chửa thế gian sự thường” đều có thể quy là không lợi cho giáo dục được!…

“Thành ngữ tục ngữ là sản phẩm của xã hội, của nhiều người, bao gồm nhiều cái nhìn của nhiều giai tầng. Không thể đơn giản lấy cái nhìn chủ quan của cá nhân mình để áp đặt mà được. Cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” rõ ràng là tập hợp của những thành ngữ mới ấy, có phủ nhận cuốn sách cũng không thể phủ nhận được sự thông dụng và thực tế sử dụng phong phú và thông dụng của chúng của cả giới trẻ lẫn người lớn ở ngoài kia! Các thành ngữ, các lối diễn đạt trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” hầu hết đều có tần suất sử dụng rất lớn”, ông Giang kết luận.

Những lời biện luận của ông Giang như thêm dầu vào lửa. Có nhiều ý kiến chỉ trích ông Giang đã cố tình xuyên tạc câu tục ngữ “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” theo nghĩa tục tĩu.

Rõ ràng dù có biện luận thế nào chăng nữa, người đọc vẫn không thể chấp nhận những câu nói chỉ lưu truyền trong sinh hoạt đời thường của một bộ phận giới trẻ được xuất bản thành sách. Cũng như chuyện tiếu lâm có nội dung dung tục vẫn được lưu truyền trong dân gian từ đời này qua đời khác nhưng không vì thế mà xuất bản thành sách được.

Theo Y.Anh – Người Lao Động

Hiển nhiên là một số thông tin trong hai bài này cần phải kiểm chứng, ví dụ như “nhiều bạn trẻ tỏ ý bất bình với cuốn sách”, hay “những lời biện luận của ông giang như thêm dầu vào lửa” 🙂

Nhưng thông qua đây có thể thấy có hai luồng suy nghĩ khác nhau (nếu ko nói là trái ngược) xung quanh vai trò của sách.

Luồng suy nghĩ thứ nhất, như quan điểm nêu trong hai bài báo trên, là luồng suy nghĩ truyền thống, chịu ảnh hưởng của (văn hóa) Khổng giáo.

Theo hướng suy nghĩ này, sách gắn với “sĩ”, mà “sĩ nông công thương”, sĩ đứng đầu trong bốn giai tầng xã hội (xưa). Cái đứng đầu này không chỉ thể hiện ở mặt (i) đạo đức – vốn rất được coi trọng: sĩ (theo lý thuyết) tiếp thu đạo của thánh hiền, nên presumably là (có nhiều khả năng hơn trở nên) quân tử, nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, vân vân và vân vân… so với non-sĩ (hic hôm nay đầu hơi có vấn đề nên viết Anh- Việt lẫn lộn :-(); hay ở mặt (ii) học vấn: sĩ là tầng lớp duy nhất “có ăn có học” (tất nhiên phạm vi học vấn ngày xưa khác xa với bây giờ ); mà còn ở mặt (iii) hiện thực, thực tế (reality): giới nho sĩ nếu không thi đỗ làm quan thì chí ít cũng làm giáo làng hay chức sắc gì đó ở hương thôn.

Mà địa vị đi liền với trách nhiệm. Làm quan to hay nhỏ, hay giáo làng, cũng đều được coi là “phụ mẫu chi dân”. Sĩ có trách nhiệm làm gương, bảo ban, dạy dỗ những ai .. còn lại . Tóm lại, người xưa đặt sĩ lên cao, nhưng cũng expect sĩ gánh trách nhiệm lớn: giáo dưỡng đạo đức, giáo hóa cho người dân, dạy người dân hiểu đạo thánh hiền. Tuy nhiên tư tưởng này vô hình chung đặt dân vào vị trí thấp kém hơn, “con em”, bị động, tức là: người dân đại loại như trẻ con, kém hiểu biết, cần được “phụ mẫu” “yêu dân như con” nhưng đồng thời cũng phải nghiêm khắc, dạy bảo, định hướng suy nghĩ…

Vì vậy, sách vở (do sĩ viết/đọc/truyền bá),  phải nhằm giáo dục những thứ được cho là hay và tốt. Sách gắn liền với lý tưởng đạo đức và học vấn. Còn những thứ bị cho là nhảm nhí, đi ngược đạo thánh hiền, thì đương nhiên không thể biến thành “Sách” để “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”, đầu độc tâm hồn non nớt của đám con cháu (Hồng Lâu Mộng, Tây Sương Ký bị gọi là “dâm thư” và bị cấm là một ví dụ) 😀

Hai bài báo trên đều thể hiện rất rõ lối suy nghĩa này, ví dụ tác giả Y.Anh viết “Cũng như chuyện tiếu lâm có nội dung dung tục vẫn được lưu truyền trong dân gian từ đời này qua đời khác nhưng không vì thế mà xuất bản thành sách được.” (bài thứ 2). Theo quan điểm của 2 tác giả, thì mấy câu cửa miệng kia, mặc dù thông dụng, nhưng giá trị “đạo đức cách mạng” bằng zero,do đó ko thể và không nên thành “sách”. (a rather top-down approach)

Ngược lại, luồng suy nghĩa thứ hai, có lẽ là luồng suy nghĩ của phần đông những ai ủng hộ (trên diễn đàn thì chắc chủ yếu là giới trẻ), có thể tạm gọi là luồng suy nghĩ theo liberalism- trường phái tự do. Có thể tóm lại như thế này chăng: it’s fun, it’s used, it deserves to be recognised (“it” ở đây là loại câu cửa miệng).

Những người theo lối suy nghĩ thứ nhất lập luận (1 cách khá đơn giản) rằng giới trẻ ủng hộ bởi vì quyển sách kia mang lại tiếng cười cho họ. Nhưng lý do quan trọng hơn (mà hai bài báo chưa đề cập), có lẽ là lối sống, lối tư duy, lối diễn ngôn của giới trẻ ngày nay được “ghi nhận” thành sách. Giới trẻ không còn ở địa vị “nhược tiểu”, có “nền văn hóa” “nhảm nhí”, “thiếu trong sáng”, không ai quan tâm, không ai coi trọng, không ai thừa nhận (nếu không nói là muốn bài trừ), ở bên lề của dòng chảy văn hóa, văn học, bản sắc dân tộc . Giới trẻ có ý kiến, có bản sắc, có cách chơi từ ngữ độc đáo, giờ được phản ảnh thành sách, là chứng cớ cho vai trò, địa vị,  lối sống của giới trẻ được (xã hội) công nhận/ lắng nghe/ hay chấp nhận “là một phần tất yếu của cuộc sống” :-).

Bên cạnh đó, lối nói cửa miệng này, có nhảm nhí hay không, nhảm nhí đến cỡ nào, nên và không nên dùng ở đâu, với ai, trong những trường hợp nào, chẳng nhẽ giới trẻ không tự biết? (đại loại như: chúng tôi lớn rồi, tự biết phân biệt nặng nhẹ tốt xấu, khỏi cần ai phải bảo ban :-))

Sách trong trường hợp cụ thể này, vì vậy, mang ý nghĩa hơi khác, nó gắn với nhu cầu tự khẳng định bản thân của một thế hệ. Ngoài ra, nó còn là “ghi chép” lại một hiện tượng tồn tại thực trong xã hội hiện đại.

Nhảm nhí hay không nhảm nhí?

Thực ra nhiều câu như trích dẫn trong hai bài báo, cũng không đến mức” méo mó, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt”. Những câu như Buồn như con chuồn chuồn, tào lao bí đao, bó tay con gà quay, đói như con chó sói (chắc nên thêm vào mấy câu ta hay nghe như Ngất trên cành quất, nhí nhảnh như cá cảnh, nhầm nhọt ra trồng trọt…. không biết có phải do nàng Hãi nhà ta nói không nhỉ?) đơn giản là nói cho vần, nghe ngộ ngộ, còn về ý nghĩa sâu xa thì thực chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng cũng không thể gọi là dung tục. Về điểm này đồng ý với ý kiến của ông Giang/Phong là các cụ ngày xưa có nhiều câu “dã man con ngan” hơn nhiều, mà ngày nay chẳng ai chỉ trích là làm mất đi sự trong sáng của tâm hồn Việt cả. Thậm chí có bài thơ nôm, nội dung khá dung tục, nhưng được cho là của Hồ Xuân Hương- đã trót được phong là bà chúa Thơ Nôm, nên được in thành sách và “truyền tụng” – truyền bá và ca tụng. Ví dụ: Thân em như quả mít trên cây – Vỏ nó xù xì múi nó dầy – Quân tử có yêu thì đóng cọc – Xin đừng mân mó nhựa ra tay.

Nhưng cũng có câu đáng để người ta lo ngại hơn 1 chút. Ví như câu Đã si-đa lại còn đi hiến máu, không hiểu có phải có ý: đã không có khả năng còn định giúp người khác hay không? Cách chọn từ si-đa, có thể đơn giản chỉ là để vần với từ ‘xa’ ở vế trên, nhưng cố tình hay vô tình đều mang ý nghĩa “phân biệt đối xử” với người mang HIV/AIDs, hoặc dùng đối tượng người có HIV làm mục tiêu đùa vui, khá thiếu tính nhân văn (và có thể nói là đi ngược lại với chính sách không phân biệt đối xử với người có HIV được áp dụng trên toàn thế giới).

Và nói chung, tất cả những câu này, nhận xét một cách khách quan ( 🙂 như trên cuộc sống tồn tại thứ gọi là khách quan thật), tuy không đến mức gì gọi là làm méo mó sự trong sáng của tiếng Việt, nhưng cũng không phải là thứ văn hóa cao sang có giá trị văn học, thẩm mĩ gì lớn (nếu không nói là kém). Nếu đặt  địa vị ở một người trẻ tuổi, thì họ sẽ thấy cuốn sách này vô hại, vui. Nhưng nếu đặt địa vị ở các bậc phụ huynh, đặc biệt những người có con còn nhỏ hoặc chuẩn bị tuổi teen, thì có lẽ đây là thứ văn hóa mà họ không muốn con mình “học hỏi” từ sách.

Để kết luận

Quyển “sợi xích” bị các diễn đàn ném đá không mỏi tay, thậm chí mượn thơ Nguyễn Bính comment rất ác là Trọc phú ti toe bàn chính trị – Đĩ già tập tọe nói văn chương, bởi vì quyển sách này chỉ liên quan đến cá nhân một tác giả (người mẫu/ca sĩ). Nhà xuất bản Văn học (???) cũng vì thế mà bị lên án không ít, bị (dư luận) buộc phải thu hồi sách trước cả khi phát hành.

Nhưng quyển “Cao thủ đầu mưng mủ” này, tác giả là “giới trẻ”, số đông, nên xem ra lại được hưởng ứng, và hành động thu hồi sách+ một vài bài đả kích dùng ngôn từ hơi thái quá như  trên, ngược lại tạo bất bình, có lẽ vì động đến cái tôi của nhiều đối tượng. (đương nhiên sợi xích và cao thủ… có nội dung hoàn toàn khác nhau, đem ra so sánh có phần hơi khiên cưỡng, nhưng chí ít cả hai sách cũng chung 1 điểm: đó là giá trị văn hóa/văn học kém – personal opinion).

Nhiều người kết luận, suy cho cùng tại khâu xuất bản – kiểm duyệt, mới tạo ra những vụ lùm xum như vậy. Nhưng qua đó thực sự cho thấy, đang có nhiều luồng tư tưởng khác nhau, và bên nào cũng có cái lý riêng của họ, đang cùng tồn tại.

Hủ Sinh

About Hoasinh Anhca
Trì Trung Hoa sinh hưởng lạc - Chi Thượng Anh ca mạn đề

2 Responses to Mỗi ngày một kiến thức – “Sát thủ đầu mưng mủ” và cuộc tranh luận giữa Confucianism versus Liberalism?

  1. Từ cái cuốn sách “mưng mủ” này mà nàng infer ra tận liberalism vs Confucianism 😛 thiệt là quá hâm mộ luôn (giống cái vụ cuộc chiến vì chó => tham vọng bành trướng của ai đó :P)

    Hehe, đôi dòng tự bạch: lúc nói thì mạnh miệng lắm, nhưng mà đụng phải hiện thực mới thấy còn nhiều khuất tất. Bình thường thì e cổ vũ liberalism lắm, nào là groups rights, minority rights… Ra tới hiện thực thì mới thấy em thực là conservative (bảo thủ, hủ nho :P)

    Về cái cuốn sách này, cá nhân em thì ko thích gì, thấy nó rất chi là vớ vỉn và vô bổ. Và nếu dc hỏi ý kiến thì e nghĩ tốt nhất là đừng tốn thời gian tiền bạc để mua và đọc 😛

    Tuy nhiên cái hành động tịch thu, cấm xuất bản của CP thì cũng hơi quá tay, này nó cũng ko có gì “phản động, chống phá” hay là “khiêu dâm, bạo lực” hay là làm “băng hoại nền đạo đức XHCN hay bôi nhọ truyền thống, bản sắc dân tộc”… đơn giản chỉ là 1 cuốn truyện cười vớ vẩn thôi. Nó hay hay dở, tự độc giả sẽ có quyết định, ai thích đọc cho vui thì mua về đọc, và e cũng bảo đảm là % rất lớn người V sẽ chẳng thèm mua, hoặc đọc qua cũng quên luôn 😛

    Cách tốt nhất nếu muốn hạn chế độc giả là thuê thật nhiều người viết bài chỉ trích nó là dc, chứ cấm đoán thì càng gây tò mò, càng gây chống đối… càng giống 1984 😛

    Anh ca

    Like

  2. ô hay cô em anh ca này, every discussion is embedded in culture 😀

    cá nhân ta cũng không thích cuốn sách này, nhưng cá nhân ta cũng thấy cái việc cho xuất bản rồi thu hồi là việc quá tay

    hoasinh

    Like

Leave a comment