Không ngủ – Nguyễn Trãi vs. Nguyễn Du

Cái này định đăng lên lâu lắm rồi, có nhã ý tặng nàng Dật Ly, tức là mời nàng Dật Ly phân tích, bởi vì ta đây không có năng khiếu cảm nhận thơ và bình thơ như nàng…

Hai tiền bối, Nguyễn Trãi và Nguyễn Du – mà ta đây là fan cuồng, có vẻ đều hay ‘trằn trọc năm canh giấc chẳng thành’, mà khi giấc không thành thì đều làm thơ. Nhưng mà, sự trằn trọc của Nguyễn Trãi khác xa Nguyễn Du. Trằn trọc của Nguyễn Trãi là ‘tiên ưu niệm’, những vẫn đề trị quốc bình thiên hạ, là lý tưởng, là mục tiêu, mục đích practical, cụ thể. Còn trằn trọc của Nguyễn Du có vẻ vì những vấn đề triết lý nhân sinh, mà dùng từ một cách điệu đà và thể hiện ta đây thỉnh thoảng cũng có sờ đến sách là những vấn đề ‘bản thể luận’ và ‘nhận thức luận’ – ontology and epistemology, nghe hơi hướng philosophy rồi nha (mặc dù chả liên quan gì mấy) :-P.

Do đó, Nguyễn Trãi – người biết mình muốn gì, hì, chỉ dừng lại ở sự trằn trọc, ko bao giờ đặt câu hỏi (ít ra là trong những bài thơ ta từng đọc qua), còn Nguyễn Du – người hứng thú với những vấn đề khá trừu tượng, hay nghĩ quẩn quanh, liên tục đặt các loại câu hỏi đại loại như 300 năm nữa ai khóc ta, hay ai sẽ mời rượu bên mộ ta (nếu nhìn theo một khía cạnh khác thì cụ có vẻ khá lo đến vấn đề hương hỏa :-P)

Đấy, dẫn đề là thế.

Đây là bài ko ngủ của Nguyễn Trãi

Hải khẩu dạ bạc hữu cảm

海口夜泊有感

一別江湖數十年,
海門今日繫吟船。
波心浩渺滄洲月,
樹影參差浦漵煙。
往事難尋時易過,
國恩未報老堪憐。
平生獨抱先憂念,
坐擁寒衾夜不眠。

Nhất biệt giang hồ sổ thập niên
Hải môn kim nhật hệ ngâm thuyền
Ba tâm hạo diểu thương châu nguyệt
Thụ ảnh sâm si phố tự yên
Vãng sự nan tầm thời dị quá
Quốc ân vị báo lão kham liên.
Bình sinh độc bão tiên ưu niệm*
Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên.

Dịch nghĩa

Từ ra đi lưu lạc giang hồ đã mấy mươi năm
Tối nay buộc thuyền thơ nơi cửa biển
Đáy nước mênh mang, trăng chiếu trên bãi lạnh
Hình dáng cây cối lô nhô, khói phủ trên bến
Khó tìm nhớ lại việc xưa, thời gian trôi quá dễ
Tự thương xót mình đã già mà ơn nước chưa đền
Bình sinh một mình ôm cái chí lo truớc hưởng sau
Ngồi cuốn chăn lạnh thức suốt đêm.

* Bản Đào Duy Anh (Nguyễn Trãi toàn tập) ghi là ‘tiên ưu chí’: ý chí lo trước, do chữ ‘tiên ưu hậu lạc’ (lo trước vui sau). Bài Nhạc Dương Lâu ký của Phạm Trọng Yêm đời Tống có câu: ‘tất kỳ tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc’ (phải lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ), là tinh thần phục vụ của kẻ giúp dân giúp nước.

…một bài khác:

Thính vũ

聽雨

寂寞幽齋裏,
終宵聽雨聲。
蕭騷驚客枕,
點滴數殘更。
隔竹敲窗密,
和鐘入夢清。
吟餘渾不寐,
斷續到天明。

Thính vũ

Tịch mịch u trai lý,

Chung tiêu thính vũ thanh,
Tiêu hao kinh khách chẩm!
Điểm trích sổ tàn canh.
Cách trúc xao song mật,
Hoà chung nhập mộng thanh.
Ngâm dư hồn bất mị,
Đoạn tục đáo thiên minh.

Dịch nghĩa:

Trong phòng tối tịch mịch,
Suốt đêm nghe tiếng mưa.
Não nùng làm kinh động gối khách,
Giọt thánh thót suốt mấy canh tàn.
Cách bụi trúc tiếng khua nhặt vào cửa sổ,
Lẫn tiếng chuông nhập vào giấc mơ.
Ngâm (thơ) rồi vẫn không ngủ được,
Nghe đứt nối cho đến trời bình minh.

Còn đây là bài không ngủ của Nguyễn Du:

Bất mị

不寐聽寒更,
寒更不肯盡。
關山引夢長,
砧杵催寒近。
廢灶聚蝦蟆,
深堂出蚯蚓。
暗誦天問章,
天高何處問?

Bất mị thính hàn canh,
Hàn canh bất khẳng tận.
Quan san dẫn mộng trường,
Châm chử thôi hàn cận.
Phế táo tụ hà ma,
Thâm đường xuất khâu dận.
Ám tụng “Thiên vấn” chương,
Thiên cao hà xứ vấn?

Dịch nghĩa:

Không ngủ nằm nghe tiếng trống canh trong đêm lạnh.
Trong đêm lạnh, trống canh điểm không thôi.
Quan san làm giấc mộng dài thêm,
Tiếng chày nện vải càng giục hơi lạnh đến gần.
Cóc nhái tụ họp quanh bếp,
Giun từ góc sâu trong nhà bò ra.
Thầm đọc bài ca hỏi trời,
Trời cao, biết đâu mà hỏi?

… và bài hỏi han khác của Nguyễn Du:

Đối tửu

對酒

趺坐閒窗醉眼開,
落花無數下蒼苔。
生前不盡樽中酒,
死後誰澆墓上杯。
春色漸遷黃鳥去,
年光暗逐白頭來。
百期但得終朝醉,
世事浮雲真可哀。

Phu toạ nhàn song tuý nhãn khai,
Lạc hoa vô số há thương đài.
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu,
Tử hậu thuỳ kiêu mộ thượng bôi ?
Xuân sắc tiệm thiên hoàng điểu khứ,
Niên quang ám trục bạch đầu lai.
Bách kỳ đãn đắc chung triêu tuý,
Thế sự phù vân chân khả ai.

Dịch nghĩa:

Ngồi xếp bằng tròn trước cửa sổ, rượu vào hơi say mắt lim dim,
Vô số cánh hoa rơi trên thảm rêu xanh.
Lúc sống không uống cạn chén rượu,
Chết rồi, ai rưới trên mồ cho ?
Sắc xuân thay đổi dần, chim hoàng oanh bay đi,
Năm tháng ngầm thôi thúc đầu bạc.
Cuộc đời trăm năm, chỉ mong say suốt ngày.
Thế sự như đám mây nổi, thật đáng buồn.

Tất cả thơ và dịch nghĩa đều lấy trên thivien.net

Đấy, con người văn hay chữ tốt, bình thơ đi.

Đông Phương Hưởng Lạc

About Hoasinh Anhca
Trì Trung Hoa sinh hưởng lạc - Chi Thượng Anh ca mạn đề

14 Responses to Không ngủ – Nguyễn Trãi vs. Nguyễn Du

  1. Hoàng Oanh says:

    1. Trước tiên là cảm ơn cho cái dòng CHMKH “văn hay chữ tốt” đã, dù là tự thấy ko có dc như vậy 1 chút nào :P.

    2. Mềnh thấy người đẹp đã bình loạn quá chi là hay ho về sự khác biệt trong cái mất ngủ của 2 vị tiền bối rùi còn gì, mềnh còn gì mà cmmt nữa 😦 — Thực ra bạn AC chưa bao giờ nghĩ tới so sánh 2 cụ này với nhau, tại cũng ít đọc thơ cụ Ức Trai. May nhờ người đẹp mà mềnh dc mở mang tầm mắt. Cứ tiếp tục phát huy tiềm năng bình loạn này đi hả 😉
    Btw, mềnh đang xài máy tính mới (mua cho đứa em) cho nên ko log in bằng HSAC dc, vì quên pass mất rồi, huhuhu 😦

    3. Nhận xét về thơ 2 cụ

    – Giống: đều theo trường phái “nghệ thuật vị nhân sinh”, “văn (thơ) dĩ tải đạo” – cho nên thơ ko dc phóng túng và có phong cách cá nhân như sau này (như thơ mới chẳng hạn). Cái này có lẽ là do hoàn cảnh lịch sử thôi, ko trách các cụ được. “Hủ” chinhs là “hủ” ở chỗ này đây, vd ND đem cả tuyết vào thơ dù VN chã bao giờ có tuyết. (Tuy nhiên, vốn hoài cổ cho nên bạn AC ko có thấy phiền về sự nhàm chán của thơ cổ :P)

    – Khác: cái này người chỉ ra chuẫn quá rùi, 1 cụ thì rất là Phamtrongyem-ist, còn 1 cụ thì lại sầu bi nx thứ vi mô hơn, vd vấn đề hương hỏa sau này 😛 (btw, Đông Phương huynh họ Nguyễn nhỉ, tra gia phả chưa, có từ nhánh nào của cụ ND ko, hôm nào tới mộ cụ rãi ít rượu tâm sự với cụ, có đi thì rủ mềnh đi cùng :P)

    – Ko hiểu sao đọc thơ NT, tại hạ lại thường liên tưởng đến Đỗ Phủ, cảm giác hơi giống giống.

    4. Cảm nghĩ cá nhân

    Bạn DL thực ra khá là bi quan yếm thế, mà lại nhu nhược nữa, cho nên là ko thích đem lý thuyết chính trị – giáo lý trị dân trị nước trong nghệ thuật (Kể cả coi film kungfu cũng thế, chỉ thik nx thể loại tập trung vào tâm lý/tình cảm của “con người” chứ ko thích kiểu lồng ghép tư tưởng chính trị, phim dĩ tải đạo như kiểu Anh Hùng hay Ngọa Hổ Tàng Long…). Vì thế nên tại hạ hay đọc thơ ND hơn.

    Chủ nghĩa nhân đạo trong thơ ND áp dụng cho nx đối tượng rất cụ thể – nx văn nhân ko có tri kỷ (như 2 bài trên, hay là Độc Tiểu Thanh Ký này nọ), nx người phụ nữ bị bắt nạt trong thời phong kiến (hihi, thik ND vì nếu cụ sống thời nay, chắc cụ cũng là feminist rồi), nx hồn ma bụi bờ ko người hương khói, và nói chung là cụ than cho kiếp người phù du, yếu ớt (nghe thảm nhỉ :P). Có lẽ ND rất giống Lâm Đại Ngọc nếu ông là phụ nữ 😉

    Thơ NT chỉ dành cho nx bậc trượng phu, nx người mang chí lớn, những bậc kinh bang tế thế, hoặc là nx quan chức kiêm văn nhân nghệ sỹ lánh đời nhưng vẫn thanh cao, tao nhã. Nếu ko bàn đến chính sự thì cụ NT sẽ “ao cạn vớt bèo cấy muống”, chứ ko ra sông thả bánh trôi, chôn hoa (???) hoặc ra mồ hoang đốt giấy vàng khóc lóc như ND 😛

    Anh Ca

    Like

  2. Hoàng Oanh says:

    Btw, bài Đối Tửu đọc hay ghê hả, rất chi là bế tắc :))

    Like

  3. Si says:

    ơ bạn hay nhỉ. ta chỉ biết chỉ ra sự khác biệt, chứ ta không biết bình luận chút nào, Cái đó phải nhờ đến bạn. Bạn cứ phân tích từng bài, rồi bạn lại bình ra khối thứ hay ho.
    thực ra mà nói, văn thơ 2 cụ mang đậm phong cách cá nhân rồi. Ta đọc qua nhiều bài thơ của các tác giả VN, nhiều bài nghe sáo kinh lên được, thơ 2 cụ xuất phát từ chân tình, rất khác (cũng 1 phần nữa là 2 cụ đều là hot men, thông tin lý lịch trích ngang và cuộc đời hoạt động cách mạng được lưu giữ nhiều, hai cụ cũng để lại nhiều thơ, nên dễ bề mà khái quát hóa thế giới quan nhân sinh quan của các cụ. Còn các cụ khác ko có thông tin background, để lại mỗi bài thơ, nên cũng khó bề mà phán). Tuy nhiên vẫn phải nói lại rằng rất nhiều bài thơ vn đọc ko cảm được cái tình trong đó (hoặc cách lý giải khác là mình quá hời hợt, chưa đủ trình để cảm các bài thơ đó)

    Chỉ e không phải là con cháu của cụ ND, mà kiếp trước làm cái nghề đưa người cửa trước rước người cửa sau thôi 😛 (nên có duyên với cụ)

    Like

    • Hoàng Oanh says:

      Nghề ‘đưa người cửa trc rước người cửa sau’ là nghề gì?

      Like

      • Si says:

        ơ hơ, thời cổ thì đây là job description của gái thanh lâu, còn thời hiện đại thì có khả năng là job description của hardcore realists who work in foreign affairs services hahahah 😀

        Like

  4. Si says:

    BTW,
    Nguyễn Trãi là: Bình sinh độc bão tiên ưu niệm, tiên ưu hậu lạc -> coi trọng hành động, nỗ lực con người, có cái câu gì mà quân tử có việc nên làm và không nên làm, có việc không thể không làm.

    Nguyễn Du: Ngẫm hay muôn sự tại trời – Trời kia đã bắt làm người có thân – Bắt phong trần phải phong trần – Cho thanh cao mới được phần thanh cao -> có thể gọi là superstitious ko nhỉ? 🙂

    Like

    • Hoàng Oanh says:

      Cái này người phát hiện hay đấy? E ko để ý ra. Đúng là NT rất chi là rational/normative còn ND thì superstitious, nhu nhược :((

      Like

  5. Si says:

    ra sông thả bánh trôi là từ tích nào ra thế?

    Like

    • Hoàng Oanh says:

      Ngày xưa học bài Phản Chiêu hồn, cái j mà “Hồn hề hồn hề, hồn bất quy” rất hay của ND. Đại loại ngày xưa Khuất Nguyên tự vẫn thì người ta ném bánh trôi xuống sông để cá ăn và ko ăn xác của ông ấy. Có 1 ai đó viết bài Chiêu Hồn rất nổi tiếng để gọi hồn Khuất Nguyên.
      Nhưng cụ ND thì muốn nói rằng trên dương gian tình thế còn tệ hại hơn cả dưới âm tào địa phủ, cho nên hồn của cụ Khuất thà đừng trở lại còn hơn.
      ND còn viết bài Văn tế thập loại chúng “Sing” nữa, e ko nhớ là có có chi tiết ném bánh trôi hay ko, nhưng đại loại cũng liên quan tới mấy vấn đề hương hỏa, gọi hồn, kêu bóng 😛

      Like

  6. á tự nhiên nhớ ra, lúc thất sủng chán nản muốn ở ẩn cụ Nguyễn Trãi có bài Côn Sơn ca đấy, cái gì mà Côn sơn suối chảy rì rầm, ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai ý… nàng thử xem có giống với cái lời bình này của nàng ko…
    “Nếu ko bàn đến chính sự thì cụ NT sẽ “ao cạn vớt bèo cấy muống”, chứ ko ra sông thả bánh trôi, chôn hoa (???) hoặc ra mồ hoang đốt giấy vàng khóc lóc như ND”

    Đông Phương Trì

    Like

    • Hì hì, cụ NT, nếu mà bị thất sủng thì sẽ về quê nhàn tản, hưởng lạc như thế này này:

      “Trong ghềnh thông mọc như nêm,
      Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
      Trong rừng có bóng trúc râm,
      Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.” (Côn Sơn ca)

      Thực ra e nhớ là đọc về ý kiến của 1 số nhà sử học xưa về vụ Lychee thì nhiều ý kiến chê bai NT là ko biết nghiệm ra cái lý “thỏ săn xong thì cung tên xếp xó”, ko chịu lui về mà cứ “ngoan cố” ở lại quan trường. Cũng ko hiểu sự thực ra sao, vì theo mấy bài thơ Thuật Hứng hay Côn Sơn Ca này thì cụ Nguyễn khá là ẩn dật đấy chứ nhỉ?

      Nhưng thôi, điểm ấy e ko dám lạm bàn. E chỉ muốn bày tỏ là e ko thik đọc thơ NT ở chỗ là cảm giác như ông ấy rất chi là tự tin, tự cao, nhưng ko ngông nghênh kiểu láo lếu như Nguyễn Công Trứ, mà tỏ ra rất chi là đạo mạo và “kênh kiệu” ấy (sorry nếu xát muối vào lòng nàng, e ko cố ý đâu, chỉ là e cảm giác thế thì nói thế thôi :(). Kiểu thế này này:

      Về đi sao chẳng sớm toan,
      Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi?

      Sào, Do bằng có tái sinh,
      Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn.

      Công danh đã được hợp về nhàn,
      Lành dữ âu chi thế nghị khen.

      Và đặc biệt cụ khá là hay tự khen mình :((

      Vd: Bui có một lòng trung lẫn hiếu,
      Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.

      hay là:

      Một tấm lòng son như thuốc luyện
      Mười năm chức sạch tựa bầu băng,

      trong bài thơ dưới đây, tên là Mạn Hứng (cảm hứng vớ vỉn :P) số 2

      Cửu vạn đoàn phong ký tích tằng
      Đương niên thác tỉ bắc minh bằng.
      Hư danh tự thán thành cơ đẩu,
      Hậu học thùy tương tác chuẩn thằng.
      Nhất phiến đan tâm chân hống hỏa,
      Thập niên thanh chức ngọc hồ băng.
      Ưu du thả phục ngôn dư hảo,
      Phủ ngưỡng tùy nhân tạ bất năng.

      Từng ước mơ bay chín vạn tầng
      Giờ mong biển bắc giống chim bằng
      Đáng than danh giả thành nia đấu
      Khó để người sau dựa mực cân
      Một tấm lòng son như thuốc luyện
      Mười năm chức sạch tựa bầu băng
      Thanh nhàn, ấy rõ điều ta thích
      Luồn cúi theo người ta chẳng vâng.

      Bản dịch của Lê Cao Phan, nguồn tại
      http://luongson.de/thidan/index.php?do=noidung&bid=9720

      So sánh với 1 bài cũng tên là Mạn Hứng của N Du:

      Hành cước vô căn nhiệm chuyển bồng,
      Giang nam giang bắc nhất nang không
      Bách niên cùng tử văn chương lý,
      Lục xích[1] phù sinh thiên địa trung
      Vạn lý hoàng quan[2] tương mộ cảnh
      Nhất đầu bạch phát tàn tây phong
      Vô cùng kim cổ thương tâm xứ,
      Y cựu thanh sơn tịch chiếu hồng.

      Chân không bén rễ, mặc cho trôi giạt như ngọn cỏ bồng.
      Một chiếc đãy rỗng không, đi hết phía nam sông, lại phía bắc sông.
      Cuộc đời trăm năm, kiết xác với văn chương.
      Tấm thân sáu thước, lênh đênh trong vòng trời đất.
      Đội mũ vàng, đi muôn dặm, cảnh đã xế chiều.
      Mái tóc bạc lốm đốm, gió tây thổi tung.
      Chuyện kim cổ gợi lại bao nhiêu điều thương tâm.
      Dãy núi xanh đằng kia vẫn nhuốm bóng chiều hồng như cũ.

      Nguồn tại http://vi.wikisource.org/wiki/M%E1%BA%A1n_h%E1%BB%A9ng_(Nguy%E1%BB%85n_Du_1)

      Em hơi mất cảm tình vs bác NT vì bác ấy lúc nào cũng phải tỏ ra tâm mình sáng tựa sao Khuê, lóng lánh trong trẻo và vô cùng là cao thượng tuyệt luân, ko 1 chút mờ ám. Em ko biết thực tế bác tuyệt vời như thế nào (nói thật là e cũng ít đọc về bác), nhưng dù cho thực sự bác là 1 người có nhân cách cao thượng, bác cũng có cần thiết phải PR dữ dội như vậy hay ko, hic hic? Thực ra e cũng muốn nghe kiến giải của c về NT, vì nếu c đã thik bác ấy như vậy thì chắc hẳn bác ấy phải có điểm gì đó rất đặc biệt mà e ko biết 😛

      ND thì sầu đời, tủi tủi hờn hờn, cảm giác bác nhân hậu và gần gũi chứ ko hề tự coi mình là hơn người – Có lẽ vì thế em rất có cảm tình vs cụ ấy 😛

      AnhCa

      Like

  7. Pingback: Ngọc lâu xuân – Án Thù « Hoasinh_Anhca

  8. Pingback: Ngọc lâu xuân – Án Thù « Hoasinh_Anhca

  9. Pingback: U cư 2 – Nguyễn Du « Hoasinh_Anhca

Leave a comment