Luận ngữ. Thiên 1: Học nhi. Chương 1.5

Thiên 1: Học nhi. Chương 1.5

1.5. 子曰:“道千乘之国,敬事而信,节用而爱人,使民以时。”

Zǐ yuē :“dào qiān shèng zhī guó ,jìng shì ér xìn ,jié yòng ér ài rén ,shǐ mín yǐ shí 。”

Tử viết: Đạo (1) thiên thặng chi quốc (2), kính sự (3) nhi tín, tiết dụng nhi ái nhân (4), sử dân dĩ thời (5).

[Dịch câu – Dương Bá Tuấn]
Khổng tử nói: quản trị một quốc gia có một ngàn cỗ binh xa, cần nghiêm túc cẩn thận trong công việc, chân thành đáng tin không dối trá; tiết kiệm hạn chế tiêu dùng,thương yêu bảo hộ quan viên, sai sử (sai khiến sử dụng) bách tính cần vào lúc nông nhàn.

[Chú thích – Dương Bá Tuấn]

  1. 道- dào – đạo: động từ. Ý nghĩa ở đây là trị lý, quản trị, cai trị quản lý.
  2. 千乘之国 – thiên thặng chi quốc: thặng là binh xa do 4 con ngựa kéo ở thời cổ đại. Thời Xuân Thu, đánh trận dùng xe, vì vậy quốc gia mạnh hay yếu đều dùng số lượng xe để tính toán. Xuân Thu thời kỳ đầu, nước lớn cũng không có được 1000 xe. Như trận Thành Bộc do Hi Công ghi chép 28 năm trong “Tả truyện”, Tấn Văn Công chỉ có 700 thặng. Nhưng tại thời đại đó, chiến tranh dồn dập, vô luận là bên đi xâm lược hay bị xâm lược đều phải tăng cường quân bị. Đi xâm lược càng muốn thôn tính, tốc độ phát triển số xe càng nhanh. Như nước Tấn đến hội Bình Khâu, theo lời Thúc Hướng, đã có 4000 thặng (xem Tả truyện Chiêu Công mười ba năm). Thiên thặng chi quốc, ở thời kỳ của Khổng tử đã không phải là quốc gia lớn.
  3. 敬事- jìng shì- kính sự: từ “kính” đều dùng để biểu thị thái độ làm việc, do vậy thường dùng kèm với từ “sự”, như câu 事君敬其事而后其食 – sự quân kính kì sự nhi hậu kì thực trong thiên Vệ Linh Công.
  4. 爱人- ái nhân: thời cổ đại, “nhân” có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa rộng là chỉ nhân dân quần chúng nói chung. Nghĩa hẹp là chỉ những người từ bậc sĩ đại phu trở lên. Ở đây “nhân” được phân biệt với “dân” (sử dân dĩ thời), cho nên có thể thấy là được dùng theo nghĩa hẹp.
  5. 使民以时 – sử dân dĩ thời: thời chỉ nông thời – thời gian làm nông nghiệp. Thời cổ đại lấy nông nghiệp làm chủ, “sử dân dĩ thời” chính là “không vi phạm nông thời” như trong “Mạnh tử. Lương Huệ Vương thượng”.

[Luận ngữ tân giải của Tiền Mục]

Ở chương này Khổng tử bàn luận chính trị, nói về tâm địa của bậc cai trị. Chuyên chú trong công việc, không kiêu ngạo, không trí trá, giữ đức tín. Không xa hoa, tiết kiệm tiêu dùng, có lòng yêu thương mọi người (i). Gặp việc phải sai sử dân (sai khiến sử dụng), cũng không được gây trở ngại đến sinh nghiệp của dân. Lời nói này tuy đơn giản, nhưng chính trị không nằm ngoài ‘đạo nhân,’ do chỉ có lòng nhân như vậy mới có thể ở vị trí trên người khác, lãnh đạo quần chúng. Đây là đạo lý, xưa nay không khác. Nếu như bỏ qua đạo lý này, mà chỉ chuyên tâm vào các phương pháp quyền thuật, tất không phải là đạo trị quốc.

(i) Có thể thấy là Tiền Mục hiểu “ái nhân” khác với Dương Bách Tuấn.

[Nhận xét của YL]

Ta muốn biết, Khổng tử có giảng trị một quốc gia nhỏ khác với trị một quốc gia lớn như thế nào không? Khác ở chỗ nào? Tại sao Vua phải thương yêu bảo hộ bách quan? Nội dung của thương yêu bảo hộ này bao gồm những gì? Và vai trò của nó trong mối quan hệ quân thần? Vân vân…. Giá có như thế, thì hay hơn.

……

[Nhận xét của AC] (yêu hòa bình nên là viết chữ màu xanh cho nó nổi nhé hí hí)

Chắc thời Khổng Tử chỉ có các quốc gia nhỏ, rời rạc, nên ông sẽ ko tưởng tượng dc cách quản trị một quốc gia lớn, kiểu như Trung Hoa của Tần, Hán… sau này?
Mà cũng có thể vì chỉ dùng để cai trị các quốc gia quy mô nhỏ nên các rao giảng của Khổng tử vẫn mang tính trừu tượng, chung chung, để lại “dư địa” (loophole) cho việc giải thích khác nhau trong các tình huống cụ thể (ví dụ nên ưu tiên điều nào, ý nào, cách hiểu nào… vì nhiều lời giảng của Khổng tử cũng hay bị đối lập nhau)
Đây là điểm khác với cách quản trị của Pháp gia hoặc với chế độ thượng tôn pháp luật của các nước phương Tây thời hiện đại – đưa ra hệ thống quy định, chế tài luật pháp càng rõ ràng rành mach, càng giảm mơ hồ càng tốt.

Theo logic thì để quản trị hệ thống lớn, dùng pháp trị có lẽ là hiệu quả hơn, tuy nhiên, why Hán Đường Tống Nguyên Minh (và Thanh?) đều dùng Nho giáo để trị quốc? Hoặc là Nho giáo đã kết hợp với Pháp gia (hay là luật pháp) như thế nào ở các triều đại này? Nho và Pháp tương quan lực lượng ntn? Nho là chủ trương, đường lối, là kim chỉ nam soi đường; còn Pháp là cụ thể hóa ở mức độ hành pháp???
Những câu hỏi này là khơi gợi ra, để bậc trí giá thâm nho YL từ từ tiếp tục đào sâu nghiên cứu 😀

About Hoasinh Anhca
Trì Trung Hoa sinh hưởng lạc - Chi Thượng Anh ca mạn đề

4 Responses to Luận ngữ. Thiên 1: Học nhi. Chương 1.5

  1. Chắc thời Khổng Tử chỉ có các quốc gia nhỏ, rời rạc, nên ông sẽ ko tưởng tượng dc cách quản trị một quốc gia lớn, kiểu như Trung Hoa của Tần, Hán… sau này?
    Mà cũng có thể vì chỉ dùng để cai trị các quốc gia quy mô nhỏ nên các rao giảng của Khổng tử vẫn mang tính trừu tượng, chung chung, để lại “dư địa” (loophole) cho việc giải thích khác nhau trong các tình huống cụ thể (ví dụ nên ưu tiên điều nào, ý nào, cách hiểu nào… vì nhiều lời giảng của Khổng tử cũng hay bị đối lập nhau)
    Đây là điểm khác với cách quản trị của Pháp gia hoặc với chế độ thượng tôn pháp luật của các nước phương Tây thời hiện đại – đưa ra hệ thống quy định, chế tài luật pháp càng rõ ràng rành mach, càng giảm mơ hồ càng tốt.

    Theo logic thì để quản trị hệ thống lớn, dùng pháp trị có lẽ là hiệu quả hơn, tuy nhiên, why Hán Đường Tống Nguyên Minh (và Thanh?) đều dùng Nho giáo để trị quốc? Hoặc là Nho giáo đã kết hợp với Pháp gia (hay là luật pháp) như thế nào ở các triều đại này? Nho và Pháp tương quan lực lượng ntn? Nho là chủ trương, đường lối, là kim chỉ nam soi đường; còn Pháp là cụ thể hóa ở mức độ hành pháp???
    Những câu hỏi này là khơi gợi ra, để bậc trí giá thâm nho YL từ từ tiếp tục đào sâu nghiên cứu 😀

    AC.

    Like

  2. si says:

    Comment rất hay. Gợi ra rất nhiều câu hỏi đáng để suy nghĩ, nghiên cứu. (Hy vọng ko đến mức học nốt cả Pháp gia đấy chứ hic).

    Nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần học nhi thời tập chi, dùng từ ngữ đang mốt là “dư địa.”

    Nói Nho là đường lối, kim chỉ nam soi đường. Hehe, nghe ra, Luận ngữ cứ như là Cương lĩnh chính trị/ Văn kiện đại hội Đảng của các chế độ quân chủ xưa…

    Like

  3. Pingback: Luận ngữ. Thiên 1: Học nhi | Hoasinh_Anhca

  4. Pingback: Luận ngữ. Thiên 2: Vi chính. Chương 2.1 | Hoasinh_Anhca

Leave a comment